Điểm sàn xét tuyển năm 2025 Trường đại học Quốc tế Sài Gòn - SIU (Hình từ internet)
Trường đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) sử dụng 4 phương thức xét tuyển dành cho thí sinh toàn quốc bao gồm: xét tuyển học bạ lớp 12; xét tuyển kết quả kỳ thi trung học phổ thông 2025; xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM; tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh cần có kết quả rèn luyện từ mức khá trở lên và tổng điểm 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển cả năm lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên; Với phương thức xét tuyển bằng kỳ thi ĐGNL, mức điểm sàn cần đạt được từ 600 điểm.
So với năm 2024, mức điểm sàn giảm nhẹ từ 1-2 điểm.
Như vậy, trên đây là nội dung về điểm sàn xét tuyển năm 2025 Trường đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU).
Căn cứ Điều 20 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định về xét tuyển và xử lý nguyện vọng theo kế hoạch chung như sau:
- Các cơ sở đào tạo tự chủ tổ chức xét tuyển theo các phương thức và tiêu chí xét tuyển riêng, hoặc tự nguyện phối hợp theo nhóm để tổ chức xét tuyển theo các phương thức và tiêu chí xét tuyển chung. Bộ GDĐT hướng dẫn lịch trình xét tuyển và hỗ trợ việc xử lý nguyện vọng trên hệ thống.
- Sau khi kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, cơ sở đào tạo tải thông tin, dữ liệu từ hệ thống bao gồm: dữ liệu đăng ký nguyện vọng, kết quả học tập cấp THPT, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm xét tốt nghiệp THPT, kết quả thi của các cơ sở đào tạo tổ chức thi trong năm tuyển sinh, dữ liệu về ưu tiên theo khu vực và đối tượng của những thí sinh dự tuyển để phục vụ xét tuyển.
- Nguyên tắc xét tuyển
+ Điểm trúng tuyển được xác định để số lượng tuyển được theo từng ngành, chương trình đào tạo phù hợp với số lượng chỉ tiêu đã công bố, nhưng không thấp hơn ngưỡng đầu vào;
+ Đối với một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, tất cả thí sinh được xét chọn bình đẳng dựa trên điểm xét và điểm trúng tuyển quy đổi tương đương theo từng phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, không phụ thuộc thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 20 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT;
+ Trường hợp nhiều thí sinh có cùng điểm xét ở cuối danh sách, cơ sở đào tạo có thể sử dụng tiêu chí phụ là thứ tự nguyện vọng (để xét chọn những thí sinh có thứ tự nguyện vọng cao hơn);
+ Việc sử dụng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng để xét tuyển đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định về điểm ưu tiên được quy định tại Điều 7 của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.
- Sau mỗi chu kỳ xét tuyển, cơ sở đào tạo tải lên hệ thống danh sách thí sinh dự kiến đủ điều kiện trúng tuyển các ngành, chương trình đào tạo (theo các phương thức tuyển sinh). Hệ thống xử lý nguyện vọng sẽ tự động loại bỏ khỏi danh sách những nguyện vọng thấp của thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhiều nguyện vọng, trả lại danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.
- Căn cứ kết quả xử lý nguyện vọng, cơ sở đào tạo lặp lại quy trình xét tuyển ở chu kỳ sau, điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp với chỉ tiêu trong thời hạn quy định. Ở chu kỳ cuối, cơ sở đào tạo quyết định điểm trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo (theo các phương thức tuyển sinh) và tải lên hệ thống danh sách (chính thức) thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Trên cơ sở kết quả xử lý nguyện vọng cuối cùng, cơ sở đào tạo quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo.
- Cơ sở đào tạo công bố điểm trúng tuyển (và các điều kiện, tiêu chí phụ nếu có) vào các ngành, chương trình đào tạo theo các phương thức tuyển sinh; tổ chức cho thí sinh tra cứu kết quả xét tuyển của cá nhân trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo (hoặc của nhóm cơ sở đào tạo phối hợp xét tuyển).
Tùng Lâm