Án lệ 03/01/2023 11:20 AM

Năm 2023 TAND cấp tỉnh đề xuất ít nhất 01 bản án, quyết định thành nguồn án lệ

TAND cấp tỉnh đề xuất ít nhất 01 bản án, quyết định thành nguồn án lệ là nội dung tại Chỉ thị 01/2023/CT-CA ngày 03/01/2023.

Năm 2023: TAND cấp tỉnh đề xuất ít nhất 01 bản án, quyết định thành nguồn án lệ

Năm 2023: TAND cấp tỉnh đề xuất ít nhất 01 bản án, quyết định thành nguồn án lệ

Ngày 03/01/2023, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Chỉ thị 01/2023/CT-CA về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2023.

1. Năm 2023: TAND cấp tỉnh đề xuất ít nhất 01 bản án, quyết định thành nguồn án lệ

Theo đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự quân khu và tương đương đề xuất ít nhất 01 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ;

Đồng thời, tại Tòa án nhân dân cấp cao, Vụ Giám đốc kiểm tra thuộc Tòa án nhân dân tối cao đề xuất ít nhất 03 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ.

2. Nhiệm vụ của Tòa án các cấp phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội cũng như Tòa án nhân dân tối cao

Cụ thể, nhiệm vụ của Tòa án các cấp phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội cũng như Tòa án nhân dân tối cao gồm:

- Bảo đảm 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định. Trong đó, giải quyết, xét xử đạt từ 90% trở lên đối với các vụ án hình sự; đạt từ 85% trở lên đối với các vụ, việc dân sự; đạt từ 65% trở lên đối với các vụ án hành chính;

Đạt từ 99% trở lên đối với các đề nghị xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án; đạt từ 60% trở lên đối với các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Bảo đảm 100% các bản án, quyết định của Toà án được ban hành trong thời hạn luật định (bao gồm cả quyết định thi hành án hình sự đối với 100% người bị kết án phạt tù, pháp nhân thương mại bị kết án).

- Bảo đảm 100% quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm.

- Hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án đã giải quyết.

- Hòa giải thành, đối thoại thành các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính tại Tòa án nhân dân cấp huyện đạt từ 50% trở lên; tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh đạt từ 5% trở lên.

- Tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử ít nhất 02 vụ việc đối với Tòa án nhân dân cấp huyện; 03 vụ việc đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh; 05 vụ việc đối với Tòa án nhân dân cấp cao.

- Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh, cấp cao phải chủ tọa ít nhất 01 phiên tòa rút kinh nghiệm.

- Bảo đảm 100% các bản án, quyết định thuộc trường hợp công bố phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

- Bảo đảm 100% Thẩm phán phải sử dụng, tương tác và đóng góp ít nhất 01 câu hỏi và câu trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ Tòa án

Cụ thể, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ Tòa án như sau:

- Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ: Nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp trong Tòa án, đặc biệt là các kỳ thi tuyển quốc gia để lựa chọn Thẩm phán, công chức có chức danh tư pháp. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho Hòa giải viên. 

Chú trọng làm tốt công tác đào tạo lý luận chính trị, nghiệp vụ xét xử, bản lĩnh nghề nghiệp và các kiến thức xã hội cho đội ngũ cán bộ, công chức.

- Tiếp tục duy trì, đổi mới hình thức tập huấn, đào tạo trực tuyến gắn với tổng kết thực tiễn xét xử. Đổi mới hoạt động giải đáp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với Tòa án các cấp. 

Nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, sử dụng và yêu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của Tòa án nhân dân. Có cơ chế, giải pháp để động viên cán bộ, công chức, viên chức tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ trẻ kế cận.

- Phấn đấu xây dựng Học viện Tòa án trở thành cơ sở đào tạo chất lượng, uy tín hàng đầu của đất nước. Tập trung làm tốt nhiệm vụ chính trị chuyên môn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường; xây dựng mỗi trường sư phạm trong sáng, mẫu mực. 

Thực hiện đoàn kết nội bộ mà hạt nhân là lãnh đạo, quản lý; lãnh đạo, quản lý phải mẫu mực, làm gương cho cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên. Xây dựng Đề án phát triển giảng viên theo hướng lựa chọn những thủ khoa, học viên xuất sắc để đào tạo trở thành giảng viên; lựa chọn các Thẩm phán giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy làm giảng viên kiêm nhiệm. 

Chủ động xây dựng các giáo trình chuyên môn hoặc nghiên cứu, lựa chọn các giáo trình phù hợp, có chất lượng để phục vụ giảng dạy. Chọn lọc đơn vị, cơ sở đào tạo uy tín để liên kết đào tạo; nội dung liên kết đào tạo phải thực chất, hiệu quả.

Xem thêm Chỉ thị 01/2023/CT-CA ngày 03/01/2023.

Chia sẻ bài viết lên facebook 10,457

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079