Hiệp định RCEP 17/11/2020 16:13 PM

Bản tiếng Việt Hiệp định RCEP: Chương 18 Các điều khoản thể chế

17/11/2020 16:13 PM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT trân trọng giới thiệu bản tiếng Việt Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Chương 18 Các điều khoản thể chế

CHƯƠNG 18

CÁC ĐIỀU KHOẢN THỂ CHẾ

Điều 18.1: Các cuộc họp của các Bộ trưởng RCEP

1. Các Bộ trưởng RCEP (sau đây được gọi là “các Bộ trưởng RCEP” trong Chương này) sẽ họp trong vòng một năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực và hàng năm sau đó trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, để xem xét tất cả các vấn đề liên quan đến Hiệp định này.

2. Các Bộ trưởng RCEP đưa ra quyết định về mọi vấn đề theo nguyên tắc đồng thuận.

Điều 18.2: Thành lập Ủy ban hỗn hợp RCEP

Các Bên thành lập Ủy ban hỗn hợp RCEP bao gồm các quan chức cấp cao do mỗi Bên chỉ định.

Điều 18.3: Chức năng của Ủy ban hỗn hợp RCEP

1. Chức năng của Ủy ban hỗn hợp RCEP bao gồm:

(a) xem xét mọi vấn đề nào liên quan đến việc thực thi và hoạt động của Hiệp định này;

(b) xem xét mọi đề xuất sửa đổi Hiệp định này;

(c) thảo luận về những khác biệt có thể phát sinh liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này và đưa ra cách giải thích các điều khoản của Hiệp định này khi thấy phù hợp và cần thiết;

(d) xin ý kiến tư vấn chuyên gia về bất kỳ vấn đề nào trong phạm vi chức năng của mình;

(e) đề cập vấn đề, giao nhiệm vụ hoặc ủy quyền chức năng cho bất kỳ cơ quan trực thuộc nào được thành lập theo Điều 18.6 (Cơ quan trực thuộc của Ủy ban hỗn hợp RCEP) (sau đây được gọi là “cơ quan trực thuộc” trong Chương này);

(f) giám sát và điều phối công việc của tất cả các cơ quan trực thuộc;

(g) xem xét và đưa ra bất kỳ quyết định nào về các vấn đề do bất kỳ cơ quan trực thuộc nào đề cập đến ;

(h) tái cấu trúc, tổ chức lại hoặc giải thể bất kỳ cơ quan trực thuộc nào, nếu cần thiết;

(i) thành lập và sau đó giám sát Ban thư ký RCEP, theo các điều khoản được nhất trí bởi các Bên, để làm thư ký và hỗ trợ kỹ thuật cho Ủy ban hỗn hợp RCEP và các cơ quan trực thuộc;

(j) tổ chức các diễn đàn đối thoại về các chủ đề được nhất trí bởi các Bên, có thể bao gồm sự tham gia của doanh nghiệp, các chuyên gia, giới học thuật và các bên liên quan khác, nếu thích hợp; và

(k) thực hiện bất kỳ chức năng nào khác mà các Bên có thể đồng ý.

2. Ủy ban hỗn hợp RCEP phải báo cáo với các Bộ trưởng RCEP và nếu thích hợp, có thể chuyển các vấn đề lên các Bộ trưởng RCEP để xem xét và quyết định.

Điều 18.4: Quy tắc thủ tục của Ủy ban hỗn hợp RCEP

1. Ủy ban hỗn hợp RCEP đưa ra quyết định về mọi vấn đề theo nguyên tắc đồng thuận.1

2. Ủy ban hỗn hợp RCEP sẽ thiết lập các quy tắc thủ tục của mình tại cuộc họp đầu tiên.

Điều 18.5: Các cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp RCEP

1. Ủy ban hỗn hợp RCEP họp trong vòng một năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực và trước cuộc họp đầu tiên của các Bộ trưởng RCEP, và hàng năm sau đó trừ khi các Bên có thỏa thuận khác.

2. Ủy ban hỗn hợp RCEP nhóm họp luân phiên và theo nguyên tắc lần lượt, tại một Bên là Quốc gia thành viên của ASEAN và một Bên không phải là Quốc gia thành viên của ASEAN, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác.

3. Ủy ban hỗn hợp RCEP được đồng chủ trì bởi một đại diện do các Bên là Quốc gia Thành viên của ASEAN chỉ định và một đại diện do các Bên không phải là Quốc gia thành viên của ASEAN chỉ định, trên cơ sở luân phiên, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác. Vai trò của các đồng chủ tịch Ủy ban hỗn hợp RCEP phải đảm bảo việc quản lý hiệu quả và công bằng các cuộc họp, nhằm tạo điều kiện cho sự đồng thuận giữa các Bên.

4. Mỗi Bên phải chịu trách nhiệm về thành phần đoàn của mình.

5. Ủy ban hỗn hợp RCEP có thể thực hiện công việc của mình thông qua bất kỳ phương tiện nào thích hợp, có thể bao gồm thư điện tử, hội nghị trực tuyến hoặc các phương tiện khác.

Điều 18.6: Các Cơ quan trực thuộc Ủy ban hỗn hợp RCEP

1. Tại cuộc họp đầu tiên, Ủy ban hỗn hợp RCEP phải thành lập:

(a) Ủy ban Hàng hóa, để đảm nhận các công việc về thương mại hàng hóa; quy tắc xuất xứ; thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại; các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp; và các biện pháp phòng vệ thương mại;

(b) Ủy ban Dịch vụ và Đầu tư, đảm nhận các công việc về thương mại dịch vụ bao gồm dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông và dịch vụ nghề nghiệp; di chuyển thể nhân; và đầu tư;

(c) Ủy ban Phát triển Bền vững, đảm nhận công việc về các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác kinh tế kỹ thuật; và các vấn đề mới nổi; và

(d) Ủy ban Môi trường Kinh doanh, đảm nhận các công việc về sở hữu trí tuệ; thương mại điện tử; cạnh tranh; và mua sắm của chính phủ.

2. Mỗi Ủy ban được thành lập theo khoản 1 có các chức năng theo quy định tại Phụ lục 18A (Chức năng của các Cơ quan trực thuộc Ủy ban hỗn hợp RCEP), và bất kỳ chức năng nào khác được quy định trong Hiệp định này hoặc được nhất trí bởi các Bên.

3. Ủy ban hỗn hợp RCEP có thể thành lập thêm các cơ quan trực thuộc, bao gồm các ủy ban khác, nếu thấy cần thiết.

4. Mỗi Ủy ban được thành lập theo khoản 1 sẽ họp trong vòng một năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực và hàng năm sau đó trừ khi các Bên có thỏa thuận khác.

Điều 18.7: Cuộc họp của các Cơ quan Trực thuộc

Trừ trường hợp quy định khác trong Hiệp định này, bất kỳ cơ quan trực thuộc nào:

(a) phải bao gồm đại diện của mỗi Bên;

(b) được đồng chủ trì bởi một đại diện được chỉ định bởi các Bên là các Quốc gia Thành viên của ASEAN và một đại diện do các Bên không phải là Quốc gia Thành viên của ASEAN chỉ định trên cơ sở luân phiên, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác;

(c) đưa ra quyết định về bất kỳ vấn đề nào trong phạm vi chức năng của mình theo nguyên tắc đồng thuận;2

(d) thực hiện công việc của mình thông qua bất kỳ phương tiện thích hợp nào, có thể bao gồm thư điện tử, hội nghị trực tuyến hoặc các phương tiện khác; và

(e) họp theo chỉ đạo của Ủy ban hỗn hợp RCEP hoặc theo thỏa thuận khác của các Bên.

Điều 18.8: Đầu mối liên lạc

Mỗi Bên, trong vòng 30 ngày kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực đối với Bên đó, chỉ định một đầu mối liên lạc tổng thể để tạo điều kiện liên lạc giữa các Bên về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Hiệp định này và thông báo cho các Bên khác chi tiết liên hệ của đầu mối liên lạc. Mỗi Bên phải thông báo ngay cho các Bên khác về bất kỳ thay đổi nào đối với các chi tiết liên hệ đó. Tất cả các thông tin liên lạc chính thức này phải bằng tiếng Anh.

PHỤ LỤC 18A

CHỨC NĂNG CỦA CÁC CƠ QUAN TRỰC THUỘC ỦY BAN HỖN HỢP RCEP

Ủy ban Hàng hóa

1. Chức năng của Ủy ban Hàng hóa, được thành lập dựa trên đoạn 1(a) Điều 18.6 (Các Cơ quan trực thuộc Ủy ban Hỗn hợp RCEP), bao gồm giám sát và điều phối công việc của các cơ quan trực thuộc, và xem xét mọi vấn đề phát sinh trên cơ sở hoặc liên quan đến việc thực thi:

(a) Chương 2 (Thương mại Hàng hóa);

(b) Chương 3 (Quy tắc Xuất xứ);

(c) Chương 4 (Thủ tục Hải quan và Thuận lợi hóa Thương mại);

(d) Chương 5 (Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật);

(e) Chương 6 (Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật và Thủ tục Đánh giá sự phù hợp); và

(f) Chương 7 (Phòng vệ Thương mại).

2. Liên quan tới Chương 2 (Thương mại Hàng hóa), chức năng của Ủy ban Hàng hóa bao gồm:

(a) giám sát và rà soát việc thực thi và hoạt động của Chương 2 (Thương mại Hàng hóa);

(b) xác định và khuyến nghị các biện pháp nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho việc cải thiện tiếp cận thị trường, bao gồm việc tham vấn để đẩy nhanh hoặc cải thiện các cam kết thuế quan theo Hiệp định này;

(c) giải quyết các rào cản thương mại hàng hóa giữa các Bên, bao gồm các vấn đề liên quan đến biện pháp thuế và phi thuế quan, ngoài các vấn đề kỹ thuật chỉ thuộc thẩm quyền của cơ quan trực thuộc khác liên quan đến một trong các chương được đề cập tại khoản 1;

(d) xem xét các vấn đề liên quan tới phân loại hàng hóa theo Hệ thống Hài hòa để áp dụng Phụ lục I (Biểu cam kết thuế) và chuyển đổi Biểu thuế của từng nước tại Phụ lục I (Biểu cam kết thuế) theo các sửa đổi định kỳ của Hệ thống Hài hòa, phù hợp với Điều 2.14 (Chuyển đổi Biểu cam kết thuế), bao gồm việc thông qua các hướng dẫn chuyển đổi các Biểu thuế tại Phụ lục I (Biểu cam kết thuế) và trao đổi các Biểu thuế đã được chuyển đổi và các bảng tương ứng một cách kịp thời; và

(e) thảo luận về mọi vấn đề khác liên quan đến Chương 2 (Thương mại Hàng hóa), bao gồm thực tiễn quản lý tốt về các biện pháp ảnh hưởng tới thương mại hàng hóa và tìm kiếm các giải pháp tăng cường hợp tác áp dụng thực tiễn quản lý tốt, nếu xét thấy phù hợp.

3. Liên quan đến Chương 3 (Quy tắc Xuất xứ), chức năng của Ủy ban Hàng hóa bao gồm:

(a) giám sát việc thực hiện Chương 3 (Quy tắc Xuất xứ);

(b) rà soát và đưa ra các khuyến nghị phù hợp cho Ủy ban Hỗn hợp RCEP, nếu cần thiết, về:

(i) quản lý hiệu quả và nhất quán Chương 3 (Quy tắc Xuất xứ), bao gồm việc giải thích và áp dụng, và tăng cường hợp tác liên quan đến Chương 3 (Quy tắc Xuất xứ); và

(ii) bất kỳ khả năng sửa đổi nào liên quan đến Phụ lục 3A (Yêu cầu Thông tin Tối thiểu), phù hợp với Điều 3.34 (Chuyển đổi Quy tắc Cụ thể Mặt hàng) và Điều 3.35 (Sửa đổi các Phụ lục); và

(c) tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác và xác định các biện pháp nhằm đơn giản hóa các quy trình cấp xuất xứ nêu tại Phần B (Quy trình cấp xuất xứ) thuộc Chương 3 (Quy tắc Xuất xứ) và làm cho các quy định này trở nên minh bạch hơn, dễ dự đoán, và được chuẩn hóa, có tính tới các thực tiễn tốt nhất của các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế khác.

4. Đối với Chương 4 (Thủ tục Hải quan và Thuận lợi hóa Thương mại), chức năng của Ủy ban Hàng hóa bao gồm:

(a) giám sát việc thực thi Chương 4 (Thủ tục Hải quan và Thuận lợi hóa Thương mại);

(b) rà soát và đưa ra các khuyến nghị phù hợp cho Ủy ban Hỗn hợp RCEP nhằm quản lý hiệu quả và nhất quán Chương 4 (Thủ tục Hải quan và Thuận lợi hóa Thương mại), bao gồm việc giải thích và áp dụng, và tăng cường hợp tác liên quan đến Chương 4 (Thủ tục Hải quan và Thuận lợi hóa Thương mại); và

(c) giám sát việc thực thi các quy định tại Điều 4.21 (Thỏa thuận thực thi).

5. Đối với Chương 5 (Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật), chức năng của Ủy ban Hàng hóa bao gồm:

(a) giám sát việc thực thi Chương 5 (Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật);

(b) xem xét mọi vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật mà các Bên cùng quan tâm, trên cơ sở tham vấn các chuyên gia liên quan trong trường hợp liên quan đến các vấn đề khoa học hoặc kỹ thuật; và

(c) tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác, bao gồm việc hợp tác trong các chương trình song phương, khu vực hoặc đa phương ở mức độ phù hợp, theo quy định tại Điều 5.13 (Hợp tác và Xây dựng Năng lực).

6. Đối với Chương 6 (Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật và Thủ tục Đánh giá sự phù hợp), chức năng của Ủy ban Hàng hóa bao gồm:

(a) giám sát việc thực thi Chương 6 (Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật và Thủ tục Đánh giá sự phù hợp);

(b) tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác theo Điều 6.9 (Hợp tác);

(c) xác định các lĩnh vực ưu tiên được các Bên thống nhất để tăng cường hợp tác;

(d) xây dựng các chương trình công tác, khi cần thiết, trong các lĩnh vực ưu tiên được các Bên thống nhất nhằm tạo thuận lợi cho việc chấp thuận các kết quả đánh giá sự phù hợp và tính tương đương của các quy định kỹ thuật, trên cơ sở tham vấn các chuyên gia liên quan đối với các vấn đề mang tính khoa học hoặc kỹ thuật;

(e) giám sát việc thực hiện các chương trình công tác; và

(f) Giám sát các thỏa thuận song phương hoặc đa phương được xây dựng theo quy định tại Điều 6.13 (Thỏa thuận Thực thi).

7. Đối với Chương 7 (Phòng vệ Thương mại), chức năng của Ủy ban Hàng hóa bao gồm:

8.

(a) giám sát việc thực thi Chương 7 (Phòng vệ Thương mại);

(b) nâng cao kiến thức và hiểu biết của một Bên về các luật, quy định, chính sách và thực tiễn phòng vệ thương mại của các Bên khác;

(c) tăng cường hợp tác giữa các cơ quan liên quan của các Bên trong lĩnh vực phòng vệ thương mại; và

(d) hợp tác về mọi vấn đề khác mà các Bên thống nhất là cần thiết.

Ủy ban Dịch vụ và Đầu tư

9. Chức năng của Ủy ban Dịch vụ và Đầu tư, được thành lập theo quy định tại đoạn 1(b) Điều 18.6 (Các Cơ quan trực thuộc Ủy ban Hỗn hợp RCEP), bao gồm giám sát và điều phối hoạt động của các cơ quan trực thuộc, và xem xét mọi vấn đề phát sinh từ hoặc liên quan đến việc thực thi hoặc hoạt động của:

(a) Chương 8 (Thương mại Dịch vụ);

(b) Chương 9 (Di chuyển Thể nhân); và

(c) Chương 10 (Đầu tư).

10. Đối với Chương 8 (Thương mại Dịch vụ), chức năng của Ủy ban Dịch vụ và Đầu tư bao gồm:

(a) giám sát và rà soát việc thực thi và hoạt động của Chương 8 (Thương mại Dịch vụ);

(b) thực hiện các chức năng được quy định tại Điều 8.12 (Chuyển tiếp) và Điều 8.13 (Sửa đổi Biểu); và

(c) tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác và xác định các biện pháp để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại dịch vụ.

11. Đối với Chương 10 (Đầu tư), chức năng của Ủy ban Dịch vụ và Đầu tư bao gồm:

(a) giám sát việc thực thi Chương 10 (Đầu tư);

(b) thực hiện chương trình công tác được xây dựng theo quy định tại Điều 10.18 (Chương trình Công tác); và

(c) tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác và xác định các biện pháp để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư.

12. Mỗi Bên phải cập nhật các biện pháp hoặc chính sách mới về thương mại dịch vụ và đầu tư cho Ủy ban Dịch vụ và Đầu tư.

Ủy ban Phát triển Bền vững

13. Chức năng của Ủy ban Phát triển Bền vững, được thành lập theo quy định tại đoạn 1(c) Điều 18.6 (Cơ quan trực thuộc Ủy ban Hỗn hợp RCEP), bao gồm việc xem xét mọi vấn đề phát sinh từ hoặc liên quan đến việc thực thi hoặc hoạt động của:

(a) Chương 14 (Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa); và

(b) Chương 15 (Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật).

14. Đối với Chương 14 (Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa), chức năng của Ủy ban Phát triển Bền vững bao gồm:

(a) giám sát việc thực thi Chương 14 (Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa); và

(b) thảo luận các giải pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác về doanh nghiệp nhỏ và vừa giữa các Bên.

15. Đối với Chương 15 (Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật), chức năng của Ủy ban Phát triển Bền vững bao gồm:

(a) xây dựng và điều phối chương trình công tác theo quy định tại Điều 15.5 (Chương trình Công tác) và cơ chế thực thi chương trình công tác;

(b) phối hợp với một Bên hoặc các Bên thực thi nhằm đưa ra các báo cáo, bao gồm báo cáo hoàn thiện cuối cùng cho mỗi hoạt động;

(c) giám sát và đánh giá việc thực hiện chương trình công tác để đánh giá hiệu quả tổng thể và đóng góp của chương trình công tác vào việc thực thi Hiệp định này; và

(d) làm việc với các cơ quan trực thuộc khác bao gồm các ủy ban khác nhằm xây dựng và duy trì thông tin liên lạc và hợp tác hiệu quả trong các hoạt động hợp tác kinh tế và kỹ thuật và các vấn đề liên quan khác.

Ủy ban Môi trường Kinh doanh

16. Chức năng của Ủy ban Môi trường Kinh doanh, được thành lập theo quy định tại đoạn 1(d) Điều 18.6 (Cơ quan trực thuộc Ủy ban Hỗn hợp RCEP), bao gồm việc xem xét mọi vấn đề phát sinh từ hoặc liên quan đến việc thực thi hoặc hoạt động của:

(a) Chương 11 (Sở hữu trí tuệ);

(b) Chương 12 (Thương mại Điện tử);

(c) Chương 13 (Cạnh tranh); và

(d) Chương 16 (Mua sắm Chính phủ).

17. Đối với Chương 11 (Sở hữu trí tuệ), chức năng của Ủy ban Môi trường Kinh doanh bao gồm:

(a) giám sát việc thực thi và hoạt động của Chương 11 (Sở hữu trí tuệ);

(b) thảo luận các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác giữa các Bên; và

(c) trao đổi thông tin về các luật, quy định, hệ thống và các vấn đề khác là mối quan tâm chung của các Bên liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

18. Đối với Chương 12 (Thương mại Điện tử), chức năng của Ủy ban Môi trường Kinh doanh bao gồm:

(a) giám sát việc thực thi Chương 12 (Thương mại Điện tử);

(b) thực hiện các hoạt động theo quy định tại Điều 12.16 (Đối thoại về Thương mại Điện tử); và

(c) thảo luận về các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác về kinh tế số giữa các Bên.

19. Đối với Chương 13 (Cạnh tranh), chức năng của Ủy ban Môi trường Kinh doanh bao gồm:

20.

(a) giám sát việc thực thi Chương 13 (Cạnh tranh);

(b) báo cáo theo yêu cầu của Ủy ban Hỗn hợp RCEP về việc thực thi Chương 13 (Cạnh tranh) và việc xây dựng và các các hoạt động liên quan đến cạnh tranh, bao gồm các biện pháp nhằm thực thi nghĩa vụ theo quy định của các cam kết chuyển đổi được nêu tại:

(i) Phụ lục 13A (Áp dụng Điều 13.3 (Các biện pháp phù hợp chống lại các hành vi phản cạnh tranh) và Điều 13.4 (Hợp tác) với Bờ-ru-nây);

(ii) Phụ lục 13B (Áp dụng Điều 13.3 (Các biện pháp phù hợp chống lại các hành vi phản cạnh tranh) và Điều 13.4 (Hợp tác) với Căm-pu-chia);

(iii) Phụ lục 13C (Áp dụng Điều 13.3 (Các biện pháp phù hợp chống lại các hành vi phản cạnh tranh) và Điều 13.4 (Hợp tác) với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào); và

(iv) Phụ lục 13D (Áp dụng Điều 13.3 (Các biện pháp phù hợp chống lại các hành vi phản cạnh tranh) và Điều 13.4 (Hợp tác) với Mi-an-ma);

(c) thúc đẩy hợp tác giữa các Bên về các vấn đề cạnh tranh;

(d) thúc đẩy hợp tác giữa các Bên về các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật xây dựng năng lực theo quy định tại Điều 13.6 (Hỗ trợ Kỹ thuật và Xây dựng Năng lực);

(e) thúc đẩy trao đổi thông tin giữa các Bên về các vấn đề cạnh tranh, bao gồm các vấn đề phát sinh từ Chương 13 (Cạnh tranh); và

(f) rà soát Chương 13 (Cạnh tranh) dựa trên nguyên tắc đồng thuận giữa tất cả các Bên.

21. Đối với Chương 16 (Mua sắm Chính phủ), chức năng của Ủy ban Môi trường Kinh doanh bao gồm:

(a) tạo thuận lợi, nếu phù hợp và đã nhất trí, cho các hoạt động hợp tác như được nêu tại Điều 16.5 (Hợp tác); và

(b) tạo thuận lợi cho mọi hoạt động rà soát Chương 16 (Mua sắm Chính phủ) thực hiện theo quy định tại Điều 16.6 (Rà soát).

 

1 Ủy ban hỗn hợp RCEP được coi là đã đưa ra quyết định theo nguyên tắc đồng thuận nếu không có Bên nào có mặt tại cuộc họp tại thời điểm quyết định được đưa ra phản đối quyết định được đề xuất. Trong trường hợp một Bên vắng mặt tại cuộc họp, quyết định phải được chuyển cho Bên đó để Bên đó xem xét quyết định, yêu cầunếu cần thiết, và Bên đó có thể thông báo xác nhận trong vòng 14 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.

2 Một cơ quan trực thuộc được coi là đã đưa ra quyết định theo nguyên tắc đồng thuận nếu không có Bên nào có mặt tại cuộc họp tại thời điểm quyết định được đưa ra phản đối với quyết định được đề xuất. Trường hợp một Bên vắng mặt tại cuộc họp, quyết định phải được chuyển cho Bên đó để Bên đó xem xét quyết định, yêu cầu làm rõ nếu cần thiết và Bên đó có thể thông báo xác nhận trong vòng 14 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,465

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079