Trao thực quyền cho bộ trưởng

01/08/2011 08:25 AM

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ Nguyễn Đức Chiến, cần đánh giá định kỳ hiệu quả điều hành của các bộ trưởng, nhưng muốn vậy, bộ trưởng phải được trao quyền thực và ngân sách thực.

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ Nguyễn Đức Chiến, cần đánh giá định kỳ hiệu quả điều hành của các bộ trưởng, nhưng muốn vậy, bộ trưởng phải được trao quyền thực và ngân sách thực.

Ông Chiến nói, về cơ cấu tổ chức, nhiệm kỳ khóa XII chỉ còn 22 bộ và 8 cơ quan trực thuộc Chính phủ, giảm 4 bộ và 4 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Đã điều chỉnh một bước quan trọng về chức năng, nhiệm vụ của các bộ. Cấp địa phương chỉ còn 17-20 sở, giảm 6-7 sở so với trước.

Mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực tự thân trong công tác tổ chức đã giảm bớt được sự chồng chéo, giảm thủ tục hành chính, giảm kết hợp, tăng trách nhiệm.

Ông Nguyễn Đức Chiến: Về quyền, không có sự khác biệt giữa bộ trưởng đơn ngành và bộ trưởng đa ngành, nhưng cơ chế điều hành phải khác. Ảnh: Thủy Chung
Tuy nhiên, việc giải quyết chồng chéo lại chưa triệt để, do nhiều nguyên nhân, như tổ chức thực hiện, thể chế, quy định không rõ ràng. Các luật, nghị định hầu hết do các bộ xây dựng, mặc dù có hội đồng thẩm định vẫn không tránh khỏi những yếu tố chủ quan gây chồng chéo.

Dù đã cảnh giác để hạn chế và ngăn chặn, nhưng vẫn phát sinh chồng chéo do phân công chưa dựa vào chức năng hiện có của các bộ, chưa tuân thủ nguyên tắc "mỗi việc chỉ giao một cơ quan chịu trách nhiệm" mà còn tùy thuộc vào chủ quan.

Không quy nổi trách nhiệm

Vậy đâu là những vấn đề tồn đọng, thưa ông?

- Trước hết, chưa xác định rõ chức năng nhiệm vụ của mỗi bộ, mỗi cấp hành chính trong việc xây dựng và quản lý chiến lược, quy hoạch phát triển theo ngành và lãnh thổ. Nhiệm vụ số một của mỗi bộ là xây dựng và quản lý chiến lược, quy hoạch của ngành mình. Nhưng quy hoạch, chiến lược phải dài hạn chứ không thể theo mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Thay đổi trong mỗi nhiệm kỳ chỉ nên là những sửa đổi, bổ sung vào quy hoạch, chiến lược dài hơi.

Điều quan trọng hơn cả là chất lượng xây dựng quy hoạch, chiến lược. Quy hoạch, chiến lược của các bộ hiện còn chưa rành mạch, tồn tại nhiều chồng chéo trong khi có chỗ bỏ sót, chỗ quá cụ thể, chỗ lại quá chung chung. Mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch sử dụng đất đai, giữa quy hoạch sử dụng đất đai với các quy hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, quy hoạch phát triển các ngành có sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất ở địa phương… vẫn còn "đá" nhau, "vênh" nhau.

Thứ hai là về độ mở của quy hoạch. Quy hoạch, chiến lược các ngành, lĩnh vực đa phần vẫn tập trung quá nhiều vào khu vực nhà nước mà ít để ý tới khu vực ngoài nhà nước. Do đó, từ các quy hoạch, chiến lược ngành nảy sinh các đơn vị công lập để phục vụ các mục tiêu phát triển ngành. Cần tạo hành lang pháp luật cho các thành phần khác đóng góp vào sự phát triển ngành.

Thứ ba, việc phân vai tổng chỉ huy quản lý ngân sách không rõ, khiến đầu tư công tràn lan, cơ cấu không ổn định, không hợp lý. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cân đối phát triển kinh tế - xã hội tổng thể phải tính đến cả yếu tố đầu tư công. Nhưng việc duyệt chi, cấp tiền lại thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Phân bổ ngân sách giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành khác và UBND các tỉnh cũng là vấn đề đáng bàn. Các bộ hiện nay không nắm được kinh phí hoạt động của cả ngành, Bộ Tài chính cũng không nắm được, các UBND cũng thế. Cách phân bổ kinh phí như hiện nay khiến không thể quy được trách nhiệm, không thể giải trình, kể cả khi Kiểm toán Nhà nước hay Thanh tra Chính phủ vào cuộc.

Bỏ chế độ chủ quản

Theo ông, giải pháp cốt lõi là gì?

- Cần phân công, phân cấp lại cách quản lý tài chính, phân bổ ngân sách giữa Bộ Tài chính với bộ, ban, ngành và địa phương sao cho thực hiện được cơ chế giải trình, kiểm toán, thanh tra dễ dàng và có thể kết luận được cụ thể về người chịu trách nhiệm.

Sáng nay (1/8), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội quyết định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Sau khi thảo luận, thông qua Nghị quyết về cơ cấu này vào ngày mai, Quốc hội sẽ bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng. Sáng 3/8, Thủ tướng sẽ thay mặt Chính phủ khóa mới phát biểu nhậm chức.

Chưa quy định nội dung cụ thể và phân biệt rõ trách nhiệm quyền đại diện chủ sở hữu với nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng là một điểm tồn tại.

Theo quy định, bộ quản lý ngành thực hiện chức năng giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp với vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đó. Nhưng với những nhiệm vụ như xây dựng đề án tổ chức, bổ nhiệm các chức danh chủ chốt thực chất vẫn là bóng dáng của cơ quan chủ quản, song xảy ra thua lỗ của doanh nghiệp thì lại khó quy trách nhiệm.

Theo tôi, xu hướng là nhà nước dứt khoát không can thiệp vào sản xuất kinh doanh, dứt khoát bỏ chế độ chủ quản, tạo sự bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân. Các bộ quản lý ngành chỉ tập trung lập chính sách, quy hoạch phát triển ngành, xây dựng các tiêu chuẩn định mức, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như thanh, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp… Như vậy công việc của các bộ sẽ nhẹ bớt, chỉ tập trung làm chính sách - vốn là chức năng chính của bộ.

Tuy nhiên, với các DNNN, không thể hoàn toàn thả nổi mà cần có sự quản lý, đó là sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính: quản chặt về vốn và người đứng đầu.

Bộ trưởng vẫn thế, nhưng điều hành phải khác

Mô hình bộ đa ngành, đa lĩnh vực, điểm mới của nhiệm kỳ Chính phủ vừa rồi đang được chú ý bởi thực trạng số bộ giảm nhưng mỗi bộ lại phình ra?

- Việc thành lập các bộ đa ngành, đa lĩnh vực chưa gắn liền với sắp xếp tổ chức bên trong, thời gian qua có xu hướng phình to cơ cấu bên trong, nhất là nâng cấp vụ thành cục và tổng cục. Có những nơi làm thế là đúng nhưng có những nơi lập cục và tổng cục là thiếu hợp lý. Có những bộ khác nhau lại có các cục giống nhau, khiến việc chồng chéo càng khó giải quyết. Có những cục được thành lập mà 3 năm sau vẫn chưa đi vào hoạt động.

Chủ trương bộ đa ngành, đa lĩnh vực đòi hỏi tiêu chuẩn bộ trưởng thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, về quyền, không có sự khác biệt giữa bộ trưởng đơn ngành và bộ trưởng đa ngành, nhưng cơ chế điều hành phải khác. Cách làm việc giữa bộ trưởng và những người đứng đầu các ngành ở cơ cấu bên trong của bộ phải là một cơ chế linh hoạt, với mức độ độc lập tương đối, đảm bảo bộ trưởng vẫn kiểm soát được nhưng không can thiệp sâu.

Các bộ trưởng cũng phải là người chịu trách nhiệm giải trình trước QH về hiệu quả quản lý ngành, hiệu quả chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các nhiệm vụ, cùng với ngân sách, do QH giao cho ngành mình.

Cần có đánh giá định kỳ một cách khách quan đối với hiệu quả điều hành của các bộ trưởng, nhưng muốn vậy, các bộ trưởng phải được trao quyền thực và ngân sách thực.

Học xong thì hết nhiệm kỳ

Trước những phân tích của ông về sự chồng chéo và việc thành lập cấp cục, tổng cục tràn lan, có thể nhận xét gì về kỷ luật thực thi chỉ đạo trong các cơ quan của Chính phủ?

- Việc này xuất phát từ sự điều hành, do người đứng đầu, nhưng thực tế những khúc mắc đó đều liên quan tới vấn đề lợi ích. Nếu chúng ta có một cơ chế rõ ràng về trách nhiệm, đi đôi với đó là thẩm quyền về tài chính, một cách dứt khoát như vậy, mọi chuyện sẽ khác.

Các cán bộ quản lý cấp cao cũng chưa được bồi dưỡng đúng mức về kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc bồi dưỡng hiện nay làm còn hình thức, qua loa, thiếu quy chuẩn rõ ràng, nhiều vị đi học xong thì cũng vừa hết nhiệm kỳ.

Ông đã đề cập đến một loạt vấn đề nảy sinh do tư duy nhiệm kỳ và cách làm quy hoạch ngắn hạn, theo ông, với cơ cấu tổ chức Chính phủ, ta nên có nghiên cứu sâu để hoàn thiện một mô hình để áp dụng lâu dài, thay vì cứ hết một nhiệm kỳ lại tổng kết và sửa đổi?

Trong bối cảnh nền kinh tế dịch chuyển sang cơ chế thị trường, bộ máy cũng phải chuyển dịch dần theo. Trong tầm nhìn của chúng ta, chắc phải đến sau năm 2020 mới có một cơ cấu chính phủ ổn định.

Thủy Chung


Chia sẻ bài viết lên facebook 1,890

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079