Lãnh đạo các bộ tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng dự buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, NN&PTNT, Y tế, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Như thường lệ, mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tóm tắt nội dung phiên họp thường kỳ tháng 8/2016 của Chính phủ diễn ra trong các ngày 30-31/8 và sáng 1/9. Trong phiên họp, Chính phủ dành thời gian cho 2 nội dung quan trọng là tập trung xây dựng thể thế và đánh giá tình hình KTXH tháng 8 và 8 tháng của năm 2016 cùng những nhiệm vụ, mục tiêu chính và định hướng cho năm 2017, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
Về công tác xây dựng thể chế, cũng như các phiên họp thường kỳ hằng tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành 1,5 ngày để tập trung xây dựng thế chế. Đó là thảo luận 5 dự thảo luật, một nghị định, một pháp lệnh và một số văn bản khác với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ kiến tạo, tập trung ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế hay nói khác là không có khoảng trống pháp lý. Đây là vấn đề thượng tôn pháp luật và lấy việc hoàn thiện thể chế để quản lý Nhà nước bằng pháp luật.
Trong đó, Chính phủ tập trung thảo luận kỹ những vấn đề rất quan trọng như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh. Như vậy sẽ xây dựng một luật để sửa 12 luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, Chính phủ cũng thảo luận về Dự án hỗ trợ DNNVV, dự thảo Nghị định về quy chế làm việc của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 và nghe Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, kết luận chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là kết quả kiểm tra tại Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chính phủ khóa mới phải đổi mới tư duy trong vấn đề xây dựng pháp luật bảo đảm tính khả thi, tính hợp lý, thực sự quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân và DN; từ đó đánh giá kỹ tác động của chính sách, tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Do vậy, các quy định chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng và coi trọng chế tài xử lý vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh và răn đe của pháp luật. Đấy là tư tưởng xây dựng các dự án luật, pháp lệnh theo quan điểm của Chính phủ kiến tạo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về quy chế làm việc của Chính phủ, có thể nói đây là nghị định rất quan trọng quy định tổng thể công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quy định trình tự thủ tục và cách làm, xác định rõ trách nhiệm. Trong đó, Chính phủ quan tâm vấn đề cải cách hành chính và quy trình giải quyết, đặc biệt hết sức quan tâm đến vấn đề thẩm quyền giải quyết. Có ý kiến cho rằng họp nhiều; vậy phải xử lý bằng việc xác định công việc, giải quyết đúng thẩm quyền, xác định trách nhiệm của cá nhân các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, từ đó các công việc sẽ được giải quyết theo đúng thẩm quyền và không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đẩy việc lên Chính phủ. Đây chính là nghị định khung để các bộ có nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, khắc phục sự giao thoa, khiếm khuyết, khắc phục những bất cập trước đây còn để những khoảng trống và không rõ trách nhiệm. Chính phủ thảo luận rất kỹ vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu và giao VPCP tiếp thu hoàn thiện dự thảo nghị định và trình Thủ tướng ban hành. Sau khi quy chế được ban hành, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện và ban hành, triển khai quy chế làm việc của bộ mình, địa phương mình. Đây là tư tưởng rất mới trong xây dựng quy chế làm việc, phát huy những cái tích cực của quy chế cũ đang và đã áp dụng, đồng thời điều chỉnh những quan điểm theo hướng chủ động cho các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ. Sửa 38/41 điều và thêm 9 điều của quy chế mới so với cũ.
Vấn đề kiểm tra tại các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng chỉ rõ đây là vấn đề và cách làm mới, bước đầu chứng tỏ hiệu quả, nhấn mạnh tinh thần của Thủ tướng là nói đi đôi với làm, khắc phục tình trạng như ĐBQH nêu: “Khoảng cách xa nhất của chúng ta là khoảng cách từ lời nói đến hành động”. Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng và trực tiếp Thủ tướng chỉ đạo Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, theo dõi các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (có cả các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ) giao cho các bộ, ngành, địa phương đúng thời hạn, đúng chất lượng. Từ đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận xem bộ máy thực sự chuyển động có hướng về người dân và DN hay không? Tinh thần của Thủ tướng là muốn chuyển tải tư tưởng này tới tất cả hệ thống chính quyền các cấp, muốn chuyển động cả hệ thống chứ không phải chỉ Chính phủ, thành viên Chính phủ, chuyển động từ bộ, tỉnh tới huyện, xã để tạo chuyển động mạnh mẽ. Thủ tướng yêu cầu sắp tới tiếp tục kiểm tra các bộ, ngành, địa phương còn nợ đọng nhiều nhiệm vụ và tinh thần chỉ đạo là cũng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm, công khai khuyến khích những nơi làm tốt, phê bình những nơi chậm trễ, từ đó chấm dứt tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ. Như vậy Tổ công tác hằng tháng họp Chính phủ thường kỳ đều có báo cáo kiểm tra các bộ, ngành, địa phương về thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là việc làm thường xuyên, đánh giá khách quan, đánh giá công tâm nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan để báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, sửa 12 luật trong đó xử lý nhiều vấn đề chồng chéo giữa các luật, tháo gỡ những vướng mắc cho DN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ KH&ĐT trao đổi kỹ lưỡng với các bộ, các hiệp hội, đi tới thống nhất với tinh thần khắc phục tư tưởng trì trệ, bảo thủ, quyền anh, quyền tôi, phải công khai, minh bạch. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phải khẩn trương hoàn thiện dự án luật, khẩn trương báo cáo UBTVQH đưa dự án luật vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Đây có thể nói là một dự án luật rất quan trọng, thể hiện mong đợi của người dân và DN. Chúng ta nói phá bỏ các rào cản, hướng tới phục vụ người dân và DN thì trước hết chúng ta phải hoàn thiện thể chế, từ đó xây dựng một luật điều chỉnh nhiều luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh.
Về Luật Hỗ trợ DNNVV, đây là vấn đề mới, khó và quyết tâm của Chính phủ là sẽ có 1 triệu DN, vậy thì DN tư nhân, DNNVV là những cơ sở nền tảng cho sự phát triển kinh tế của xã hội. Từ đó việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV là rất cần thiết nhưng phải bảo đảm một số yêu cầu. Đó là hỗ trợ đúng luật và tuân thủ theo quy luật kinh tế thị trường. Chúng ta đưa ra luật để hỗ trợ trực tiếp cho DN, làm sao thúc đẩy, kích thích, động viên và quan trọng nhất là tạo niềm tin của DN, người dân đối với Chính phủ, để họ có cảm hứng, có sự khích lệ, tin tưởng, triển khai thành lập, đầu tư, kinh doanh và yên tâm với một nền tảng pháp luật trước sau như một. Đây là vấn đề lòng tin của người dân.
Vấn đề thứ hai là Chính phủ dành thời gian thảo luận tình hình KTXH tháng 8 và 8 tháng năm 2016 trong đó Chính phủ thống nhất nhận định như sau: Nhìn chung, tình hình KTXH tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, cán cân thương mại tích cực, xuất siêu 2,45 tỷ USD và rất mừng trong 8 tháng số DN đăng ký, số vốn đăng ký tăng so với cùng kỳ rất nhiều, trong đó có vốn của các DN nước ngoài (FDI).
Nông nghiệp phục hồi khá, xuất khẩu nông lâm sản tiếp tục tăng 5,4%. Cùng kỳ cao hơn (10%) nhưng do đầu năm chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn của hạn hán miền Trung, xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Do đó, trong quý I chúng ta tăng trưởng âm 1,23% nhưng đến nay chúng ta đã phục hồi và tăng trưởng 5,4%. Nhập khẩu có xu hướng tăng lên, thể hiện cầu cho SXKD của nền kinh tế tăng và giải quyết tốt vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết 60 của Chính phủ. Điều rất đáng mừng là với quyết tâm nỗ lực hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nên niềm tin của cộng đồng DN và nhân dân được khôi phục một bước rất quan trọng, cải thiện mạnh mẽ, tạo không khí phấn khởi, thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2016. Chủ trương của Chính phủ là không điều chỉnh giảm các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2016 mà quyết tâm thực hiện một cách tích cực nhất.
Trong những chỉ tiêu của 8 tháng năm 2016, một số chỉ tiêu rất đáng mừng là sản xuất công nghiệp tăng 6,9% trong khi ngành khai khoáng giảm 3,8%. Chỉ số CPI tăng 1,91%, lạm phát 8 tháng tăng 1,81% và vẫn được kiểm soát tốt, xuất khẩu 8 tháng tăng 5,5%. Đặc biệt thu ngân sách có cố gắng tích cực nên 56 tỉnh, thành phố thu ngân sách đạt 70%. Rất mừng là số DN đăng ký tăng rất lớn.
Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng chỉ rõ trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ còn lại của năm 2016 là hết sức nặng nề. Và Chính phủ, từng thành viên Chính phủ phải quyết tâm hành động, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đó là cương quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo, nói đi đôi với làm, tăng cường kỷ luật kỷ cương, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Phải tạo chuyển biến cơ bản về tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh cả hệ thống chúng ta phải có khát vọng chuyển biến tình hình, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Khi đi làm việc với các tỉnh, thành phố, địa phương, Thủ tướng nói rằng đảng bộ và nhân dân các địa phương đều phải có khát vọng về tăng trưởng, có khát vọng về phát triển; nếu người lãnh đạo ở địa phương mà không có khát vọng thì không thể phát triển được. Có khát vọng mới đầu tư suy nghĩ, tìm tòi, dám làm, dám chịu và sáng tạo trong điều hành, vận hành. Đây có thể nói là tư tưởng rất quan trọng đối với lãnh đạo các địa phương.
Liên quan đến tình hình KTXH, tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo chuyên đề về tình hình và giải pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công như công sở, xe công… Đây là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới phải có những giải pháp mạnh mẽ mang tính cách mạng để người dân thấy rằng Chính phủ sử dụng tài sản công hiệu quả nhất vì đây là mồ hôi, công sức, tiền thuế của người dân.
Chủ đề của phiên họp Chính phủ tháng 8 là sử dụng tiết kiệm tài sản công, trong đó có vấn đề sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm công, sử dụng trụ sở, sử dụng xe công. Tinh thần là sẽ có những chỉ thị, văn bản quy định siết chặt các đối tượng được sử dụng xe công, các đối tượng được xe đưa đón và không dùng xe công vào việc riêng. Hôm kia trường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng cũng nghe vấn đề thoái vốn một số DN Nhà nước. Thủ tướng có nói rằng Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa hay nói cách khác là việc đó Chính phủ hay Nhà nước không cần nắm giữ mà tư nhân, DN trong và ngoài nước làm tốt hơn thì để cho DN tư nhân làm còn Nhà nước dành tiền đầu tư những dự án then chốt, có sự quyết định tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tinh thần là phải niêm yết trên sàn chứng khoán, dựa trên tư vấn để chúng ta đưa ra một giá khởi điểm đấu thầu công khai, minh bạch với sự giám sát của người dân. Chúng ta chỉ cần làm sao vẫn giữ được thương hiệu, làm sao thu được lợi ích cao nhất, hiệu quả cao nhất cho Nhà nước để cho thấy rằng đồng tiền được sử dụng hiệu quả, minh bạch và người dân được hưởng lợi nhiều nhất.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời báo chí tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phóng viên Lê Kiên (Báo Tuổi trẻ TPHCM): Vụ việc xảy ra tại Yên Bái được dư luận hết sức quan tâm. Xin hỏi Chính phủ đánh giá về sự việc này như thế nào và kết quả điều tra ban đầu có thể xác định được nguyên nhân hay chưa?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Sau khi vụ việc tại tỉnh Yên Bái xảy ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp lên làm việc với lãnh đạo tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thị sát kiểm tra tình hình. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã giao VPCP thông báo tại Công văn số 1728 ngày 17/8, trước hết là ổn định tình hình, thứ hai là bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Giao cho Bộ Công an tiến hành điều tra, khởi tố vụ án, tìm ra nguyên nhân sự việc.
Hiện nay, Bộ Công an đã khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra. Kết quả điều tra vụ án thế nào, VPCP sẽ thông báo tới cơ quan báo chí. Đây là vấn đề rất quan trọng, thời gian rất ngắn nên chưa đủ điều kiện để các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân của vụ việc.
Phóng viên Tiến Dũng (Báo Tiền phong): Về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, được biết Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Nội vụ báo cáo về việc luân chuyển, tiếp nhận, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh. Đến thời điểm này báo cáo ra sao, trách nhiệm để lỗ hổng thế nào trong việc luân chuyển cán bộ? Thời gian qua, có dư luận về thực hiện quy trình tố tụng với ông này, xin Người phát ngôn Chính phủ cho biết thêm thông tin nội dung này ra sao?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Tại phiên họp báo tháng 7, tôi đã thông báo các cơ quan báo chí việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan như: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các cơ quan liên quan điều tra làm rõ việc thua lỗ tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) do ông Trịnh Xuân Thanh khi đó làm Tổng Giám đốc.
Liên quan đến vụ việc luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, hiện nay, Thủ tướng đã giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ làm rõ việc này.
Việc này Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao rà soát toàn bộ quy trình để báo cáo. Công việc đang được tiến hành, đến nay chưa có báo cáo chính thức lên Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, các cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc đồng bộ. Sự chỉ đạo của Tổng Bí thư nói lên quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ, lợi dụng trong sử dụng tài sản, tiền của của nhân dân, Nhà nước. Đây là quyết tâm chính trị rất cao, là chuyển động của cả hệ thống theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, trong đó có cơ quan lập pháp, hành pháp… Chính phủ cũng giao các bộ tiếp tục rà soát, xem lại tất cả các dự án. Sau này có thông tin chính thức, báo cáo chính thức từ Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan, Văn phòng Chính phủ sẽ thông báo các cơ quan liên quan.
Phóng viên Nghĩa Nhân (Báo Pháp luật TPHCM): Theo thống kê của Bộ Tư pháp thì số người nhập quốc tịch trở lại Việt Nam chỉ khoảng 30 người, trong khi số người xin thôi quốc tịch Việt Nam là 4.000 người, trong số này có cả những “đại gia”. Việc này có phản ánh xu thế gì không? Có nguy cơ chảy máu chất xám không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2015 có 29 người nhập trở lại quốc tịch Việt Nam trong khi số người xin thôi quốc tịch Việt Nam lên tới gần 4.000 người.
Việc xin nhập và xin thôi quốc tịch là quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã quy định. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận yêu cầu và giải quyết đúng luật định. Theo thống kê thì đa số các trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài là các cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài, nhập quốc tịch theo chồng.
Theo quy định của một số nước thì những công dân này phải thôi quốc tịch Việt Nam thì mới được nhập quốc tịch nước ngoài. Mỗi năm có hàng vạn phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài nhưng thực tế số xin nhập tịch nước ngoài cũng không nhiều vì quy định mỗi nước khác nhau. Nhiều nước không yêu cầu khi nhập quốc tịch nước họ thì phải thôi quốc tịch Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa thì công dân có nguyện vọng thay đổi quốc tịch để thuận tiện làm ăn, sinh sống. Thực tiễn hầu hết người xin thôi quốc tịch Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, gần đây có một số trường hợp công dân là chủ doanh nghiệp xin nhập quốc tịch nước ngoài mà vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Trong thời gian tới, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ sẽ rà soát và tổng kết lại việc thực hiện pháp luật về quốc tịch (bao gồm cả việc xin nhập, xin thôi, xin trở lại... quốc tịch Việt Nam). Sau khi rà soát, nếu cần thiết, Chính phủ sẽ trình các kiến nghị sửa đổi luật, điều chỉnh để hoàn thiện Luật Quốc tịch.
Phóng viên Bích Diệp (Báo điện tử Dân trí): Liên quan đến việc thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp, Thủ tướng đã chỉ đạo niêm yết trước khi thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco. Tôi muốn hỏi Chính phủ có ý định nhân rộng cách thức này tới tất cả các doanh nghiệp Nhà nước không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Có thế nói vấn đề cổ phần hóa và bán vốn Nhà nước tại các DN mà Nhà nước không nắm giữ là vấn đề rất quan trọng, được dư luận nhân dân và cán bộ, Đảng viên rất quan tâm. Chủ trương cổ phần hóa là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Sau khi cổ phần hóa, yêu cầu tất cả các DN phải niêm yết trên sàn chứng khoán. Hiện nay Sabeco và Habeco chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là trách nhiệm của hai DN không thực hiện đúng tinh thần của luật. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu 2 công ty phải niêm yết ngay trên sàn chứng khoán, Thủ tướng chỉ đạo phải làm ngay để tạo minh bạch về tài chính và có sự giao dịch trên sàn, lấy giá giao dịch đó để dẫn chiếu, nghiên cứu thêm. Đấy không phải là giá sàn để đấu giá nhưng có thể dẫn chiếu, xem xét, nghiên cứu thêm. Như vậy, việc đó có thể minh bạch rất nhiều, công khai minh bạch tài chính, khả năng về sức mua và khả năng bán của DN. Các bạn hỏi có phải niêm yết hay không thì bắt buộc phải niêm yết chứ không phải có hay không có. Còn những việc chưa làm được thì Chính phủ, Thủ tướng đã kết luận rút kinh nghiệm cho các bộ quản lý rồi.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Liên quan đến việc thoái vốn tại Habeco và Sabeco, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã đề cập. Tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 29/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo việc thoái vốn tại Habeco và Sabeco phải thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong quá trình thoái vốn và gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, cổ đông và phải tiến hành niêm yết cổ phiếu của hai đơn vị trước khi thực hiện việc thoái vốn, tổ chức thuê tư vấn, kể cả tư vấn nước ngoài để bảo đảm tính chính xác, minh bạch, thẩm định giá trị cổ phiếu của hai công ty làm căn cứ để thoái vốn theo quy định.
Chúng tôi xin cung cấp thêm thông tin về hai doanh nghiệp vừa qua nhận được sự quan tâm rất nhiều của dư luận
Tại Habeco, trước đây là doanh nghiệp đã được cổ phần hóa nhưng Nhà nước nắm giữ 81,79% vốn điều lệ, người lao động giữ 0,56% và các cổ đông khác giữ 1,88%, nhà đầu tư chiến lược Carlsberg nắm giữ 15,77% nhưng Thủ tướng Chính phủ đã cho phép bán thêm 5,77% cho nhà đầu tư chiến lược này.
Về Sabeco, cổ phần do Nhà nước hiện nắm giữ là 89,59% vốn điều lệ.
Do quy mô vốn của Habeco và Sabeco khác nhau nên chúng tôi đã trình lộ trình thoái vốn của từng doanh nghiệp cũng khác nhau. Dự kiến đối với Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước (81,79%) tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016. Đối với Sabeco do vốn lớn nên Bộ Công Thương đề nghị thoái vốn chủ sở hữu Nhà nước theo lộ trình làm 2 đợt, đợt 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng trong năm 2016, đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Về phương thức bán sẽ thực hiện thoái vốn theo quy định hiện hành của pháp luật, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Chống độc quyền và một số quy định pháp luật khác.
Về giá bán, sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm và có thể là tư vấn nước ngoài theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thẩm định giá cổ phiếu của hai doanh nghiệp này tại thời điểm bán làm căn cứ công bố giá khởi điểm trước khi thực hiện đấu giá. Trong trường hợp Habeco và Sabeco đã niêm yết, có thể lấy giá giao dịch trên sàn để tham chiếu khi xem xét xác định giá khởi điểm để đấu giá.
Về đối tượng mua, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần kinh tế, ngành nghề kinh doanh đều có thể tham gia đấu giá.
Về cơ quan tổ chức thoái vốn, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao cho Bộ Công Thương triển khai để kế thừa công việc đang thực hiện và mang lại hiệu quả cao trong quá trình vừa qua. Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Habeco và Sabeco thực hiện niêm yết cổ phiếu theo đúng quy định pháp luật, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay mới họp và có chỉ đạo nhưng vẫn phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Công Thương sẽ triển khai các công việc để thực hiện thoái vốn. Cụ thể là thuê tư vấn trong và ngoài nước để tổ chức thẩm định giá trị cổ phiếu, xây dựng phương án thoái vốn, tổ chức thoái vốn theo đúng quy định pháp luật và tinh thần của Chính phủ là công khai, minh bạch theo đúng cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phóng viên Kim Loan (Báo điện tử Zing.vn): Vừa qua, cư dân TPHCM liên tục phản ánh bị tra tấn bởi mùi hôi và người dân nghi ngờ mùi hôi xuất phát từ Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Theo tôi biết, TPHCM đã báo cáo về hiện trạng này, xin hỏi VPCP đã có chỉ đạo về xử lý ô nhiễm của khu vực này hay chưa? Nhiều chuyên gia cho rằng công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước chưa tiên tiến, giá thành lại cao, tại thời điểm ký kết cao hơn so với các nơi khác 1/3, và bây giờ vẫn cao hơn 20%. Bên cạnh đó, vị trí bãi rác không phù hợp quy hoạch phát triển của TPHCM, nơi được xem là trung tâm mới với nhiều đô thị hiện đại phía Nam. Các bộ, ngành hữu quan nhận định thế nào về những đánh giá trên?
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Hiện nay ở TPHCM, có hiện tượng mùi hôi gây khó khăn cho dân cư ở huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Quận 7. Về vấn đề này, UBND TPHCM và đặc biệt là Sở TN&MT đã trực tiếp tiến hành khảo sát và kiểm tra. Bước đầu, Sở TN&MT nhận định, hoạt động của toàn bộ Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước có thể là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, còn có Công ty Xử lý bùn Sài Gòn xanh, một đơn vị xử lý bùn hầm cầu cũng bố trí gần khu vực này và cũng gây ra những ô nhiễm không khí. Sở TN&MT đang xem xét và có đánh giá rất kỹ, liên quan tới công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Bộ TN&MT cũng biết ở đây, việc xử lý rác chủ yếu là chôn lấp, với quy trình công nghệ và quy chuẩn đã được áp dụng ở Mỹ. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều hạng mục liên quan tới xử lý nước thải (nước rác), bể chứa nước rác chưa hoàn thành. Đồng thời, quá trình xử lý rác còn liên quan đến quy trình nhận rác, liên quan đến sử dụng chế phẩm sinh học chưa hợp lý để xử lý mùi thông qua công nghệ sinh học, vật lý. Ở đây, phải thu được khí phân hủy từ rác, thu gom được toàn bộ nước rác. Những vấn đề này, hiện nay chúng tôi đang giao cho Sở TN&MT trực tiếp kiểm tra, xem xét, đề xuất giải pháp cụ thể.
Về giá xử lý, quy hoạch và công nghệ, hiện nay trên thế giới, nhiều nước vẫn phải chấp nhận việc xử lý bằng chôn lấp. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp không triệt để, không đáp ứng giải quyết hoàn toàn bài toán về môi trường, bởi sau khi chôn lấp, quá trình thu gom khí, quản lý bãi rác sau này rất lớn, đặc biệt là trong điều kiện đất đai không có nhiều. Giải pháp sử dụng công nghệ chôn lấp chỉ mang tính trước mắt. Chôn lấp được thế giới sử dụng khá phổ biến hiện nay với quy trình công nghệ, chế phẩm sinh học, được tính toán khá hoàn thiện. Tuy nhiên, cần có đánh giá, kiểm tra thật kỹ là Công ty này đã áp dụng đầy đủ quy trình, công nghệ đó chưa cũng như phải sử dụng chế phẩm sinh học trong khử mùi và kích thích phân hủy rác.
Còn về bài toán quy hoạch, TPHCM cũng đã nói, cách đây 5 năm, đây là vùng hoang sơ, thuộc huyện Nhà Bè, nên việc bố trí ở đây có vẻ hợp lý. Nhưng với tốc độ phát triển, tăng trưởng như hiện nay, bài toán về xử lý chất thải phải tính toán quy hoạch theo vùng, phải có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn, có cơ chế phối hợp của Thành phố với các địa phương khác để quy hoạch dài hạn. Khi đã quy hoạch các bãi xử lý chất thải, chôn lấp, đương nhiên việc bố trí các khu dân cư, đô thị sẽ luôn có xung đột trên thực tế. Ở tất cả các nước, người ta cố gắng sao cho quy hoạch này tốt nhất, xa nhất. Nhưng có lẽ, về lâu dài, cần phải áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại là thiêu đốt và phát điện, chỉ khi đó mới phù hợp với điều kiện của đất nước ta, cũng như giải quyết triệt để vấn đề môi trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ xử lý hiện đại, và khi đốt phải quan tâm tới vấn đề khí thải.
Tôi cho rằng việc đánh giá về giá thành UBND Thành phố đã cân nhắc rất kỹ khi lựa chọn doanh nghiệp, tính toán giá thành. Tôi sẽ không bình luận giá hợp lý hay không. Phần này để TPHCM sẽ có thông tin đầy đủ.
Phóng viên Kim Loan (Báo điện tử Zing.vn): Được biết, Bộ KH&ĐT đã từng nhiều lần bác dự án bãi rác Đa Phước với lý do ngoài giá thành xử lý rác cao còn nghi ngờ về năng lực cạnh tranh yếu của công ty California Waste Solutions vì dù Công ty có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý rác thải nhưng chủ yếu là thu gom, xử lý rác thải rắn, tái chế chứ không phải xử lý rác thải của một thành phố lớn. Qua rất nhiều lần có ý kiến như thế, TPHCM và nhà đầu tư đã thuyết phục Bộ KH&ĐT và các cơ quan, ban, ngành như thế nào về năng lực của Công ty để chấp nhận dự án đó?
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu: Về việc này, tôi sẽ kiểm tra lại và trả lời trực tiếp với phóng viên sau. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, từ khi có Luật Đầu tư 2005, 11 năm nay, Bộ KH&ĐT không can dự vào bất cứ dự án đầu tư nào của các địa phương. Các địa phương phải tự xem xét và quyết định cấp phép đầu tư sau khi đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật. Bộ KH&ĐT không can thiệp là dự án này nên, dự án kia không nên.
Phóng viên Báo Vietnam Investment Review: Bộ Tài chính đánh giá như thế nào về tình hình thu ngân sách hiện nay? Vì sao 8 tháng đầu năm lại hụt thu?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Kết quả thu ngân sách 8 tháng đầu năm ước đạt 649 nghìn tỷ, bằng 64% dự toán và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn lại 8 tháng đầu năm 2015, thu ngân sách đạt 67,7%, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy kết quả 8 tháng đầu năm thu ngân sách năm 2016 vẫn còn thấp hơn so với 2015.
Cụ thể, thu nội địa đạt 66,6% và tăng 17% so với cùng kỳ. Tiến độ thu nội địa năm nay so với 2 năm liền kề (2014, 2015) cùng kỳ còn thấp hơn. Tuy nhiên, với kết quả thu nội địa, các khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh vẫn có sự tăng trưởng khá. Ví dụ thu từ công, thương nghiệp và quốc doanh đạt 72% dự toán và tăng 22% so với cùng kỳ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 66,4% dự toán và tăng 14% so với cùng kỳ.
Khoản thu có tỉ trọng lớn là thu từ doanh nghiệp nhà nước mới đạt 53% dự toán, giảm 5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do giá dầu giảm nên hoạt động khai thác dầu khí cũng giảm; doanh nghiệp thủy điện thì bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường và hạn hán nghiêm trọng; doanh nghiệp khai thác khoáng sản bị tác động bởi giá trên thế giới giảm sâu nên khó khăn trong thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại sau thuế cũng khó khăn trong 8 tháng đầu năm.
Xin báo cáo thêm, thu từ dầu thô mới đạt 49,7% so với dự toán và giảm 43% so với cùng kỳ. Sản lượng dầu thô cũng đã bằng 74% so với kế hoạch năm nay nhưng giá lại bị giảm 18,7 USD/thùng so với dự toán (Giá dự toán là 60 USD/thùng nhưng thực tế chỉ đạt 41,3 USD/ thùng).
Thu cân đối từ xuất nhập khẩu đã đạt 64% dự toán và tăng 3,3% so với cùng kỳ. Khoản thu này bị ảnh hưởng do yếu tố khách quan là cắt giảm thuế trong quá trình hội nhập. Cùng với đó, kim ngạch một số mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách cũng thấp so với cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách 8 tháng đối với địa phương đạt 76%, trong khi thu ngân sách Trung ương mới đạt 61,7%. Cơ cấu thu địa phương đang cao hơn thu tại Trung ương. Hiện nay Bộ Tài chính đang quyết liệt thực hiện tất cả giải pháp để hoàn thành dự toán thu năm 2016, trọng tâm là đôn đốc, thu nợ thuế, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát kê khai thuế...
Về chi ngân sách, 8 tháng đã đạt 770 nghìn tỷ, bằng 60,5% so với dự toán và tăng 5,6% so với cùng kỳ. Tiến độ chi đầu tư phát triển cũng tăng 9,6% so với cùng kỳ. Thực tế sau Nghị quyết 60 của Chính phủ thì việc giải ngân và chi đầu tư đã tích cực hơn dù tiến độ vẫn chậm hơn dự toán. Tuy nhiên, so với những tháng trước đây, tháng vừa rồi tăng trưởng tốt hơn.
Chi trả các khoản nợ viện trợ đều đúng hạn theo cam kết và bảo đảm đầy đủ các nghĩa vụ thanh toán kịp thời. Cùng với đó chi sự nghiệp kinh tế, quốc phòng an ninh và quản lý hành chính cũng bảo đảm tiến độ.
Tôi xin phép nêu ý kiến thêm về câu hỏi của báo Dân trí liên quan đến niêm yết đối với Habeco và Sabeco.
Quyết định 51/2014 ban hành ngày 15/9/2014 về thoái vốn và bán cổ phần doanh nghiệp, giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán quy định rõ những doanh nghiệp nào phải niêm yết. Sau khi cổ phần hóa, trong phạm vi 90 ngày phải rà soát và làm thủ tục đăng ký công ty đại chúng. Nếu đủ điều kiện, sau 1 năm cổ phần hóa, phải chuẩn bị các điều kiện để niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, phải đủ điều kiện mới được niêm yết. Hiện nay việc niêm yết cũng là quy định bắt buộc nên các doanh nghiệp sau cổ phần hóa và các cơ quan chủ quản phải đẩy mạnh đôn đốc để doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng quy định.
Phóng viên Sơn Tùng (Báo điện tử Infonet): Mấy ngày gần đây có thông tin một số ngân hàng ở Hà Tĩnh từ chối cho ngư dân vay đóng tàu đánh bắt xa bờ. Xin hỏi Chính phủ có chỉ đạo như thế nào đối với việc này?
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Có thể nói sau khi Nghị định 67 ra đời, NHNN rất tích cực triển khai và ban hành kịp thời thông tư hướng dẫn về các thủ tục vay vốn theo đúng quy định, đối tượng và các nội dung của Nghị định 67. Trong thực tế, NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện quyết liệt Nghị định này và tổng hợp những vướng mắc khó khăn để xử lý. Thực tế triển khai Nghị định này rất tốt. Theo số liệu đến ngày 15/8 của các tổ chức tín dụng, đóng tàu mới và nâng cấp tàu là 663 tàu, tổng số tiền cam kết cho vay là 6.574 tỷ đồng và dư nợ thực tế 4.288 tỷ đồng. Theo phản ánh của phóng viên, có một số trường hợp ở Hà Tĩnh chủ tàu bị từ chối cho vay. Qua cập nhật thông tin của lãnh đạo chi nhánh NHNN tỉnh Hà Tĩnh cho thấy một số trường hợp chủ tàu bị từ chối cho vay vì trong quá trình đánh giá, thẩm tra phương án vay vốn thấy rằng khả năng thu hồi vốn của người dân không khả thi. Vì thế ngân hàng từ chối. Tuy nhiên, trên thực tế, chi nhánh NHNN tỉnh đã yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cụ thể và cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tìm phương án giải quyết.
Phóng viên Thế Dũng (Báo Người lao động TPHCM): Liên quan đến vụ Formosa, hiện còn tồn tại 4.000 tấn hải sản trong kho đông lạnh. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Y tế sớm công bố giải tỏa nguồn hải sản tháo gỡ khó khăn cho bà con. Xin hỏi khi nào chính sách được thực hiện?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Việc xử lý 3.900 tấn cá hiện nay tại kho lạnh Miền Trung, sau khi lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, Bộ Y tế đã phối hợp chặt với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn 4 tỉnh Miền Trung, với nguyên tắc của Bộ Y tế là đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu.
Chúng tôi đề nghị UBND các tỉnh phối hợp các cơ quan như: Sở Công Thương, cơ quan quản lý các kho cá… phân lô các kho. Bộ Y tế sẽ lấy mẫu tất cả các lô cá, sau đó chuyển về 2 phòng thí nghiệm cấp quốc gia của Bộ Y tế xét nhiệm. Bộ Y tế chỉ cho phép lưu hành những lô cá nào được xác nhận an toàn, lô nào không được xác nhận an toàn sẽ tiêu hủy theo quy định.
Đây là việc khó khăn, mất thời gian, nhưng Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện trên quan điểm phải bảo đảm sức khỏe người dân.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ