“Cần thực sự chú trọng đến chất lượng làm luật"

03/09/2016 08:20 AM

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Quốc hội (QH) và các cơ quan bộ ngành. Trong thời gian qua, nhiệm vụ này đã được thực hiện như thế nào và đâu là những thách thức trong thời gian tới? Báo Hải quan có cuộc trao đổi với ông Đinh Xuân Thảo (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội về nội dung này.

Ông có thể đánh giá tổng quát về quá trình hoàn thiện hệ thống VBQPPL ở nước ta hiện nay?

Chức năng hoàn thiện hệ thống lập pháp là một trong ba chức năng chính của QH. Trong 70 năm, hệ thống VBQPPL ban đầu được QH ban hành ở khóa I rất ít, khóa I đa phần là những sắc luật, tiếp đó có nhiệm kỳ ban hành 2-3 luật, nhưng từ khóa X, XI trở đi thực tiễn đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ để Việt Nam gia nhập WTO, do đó, bình quân mỗi nhiệm kỳ ban hành từ 50-100 VBQPPL ở tầm luật và pháp lệnh. Đặc biệt, sau khi có Hiến pháp 2013 là dịp QH và Chính phủ rà soát lại hệ thống VBQPPL để ban hành, sửa đổi các văn bản pháp luật phù hợp với tinh thần mới của Hiến pháp 2013 và cũng là một dịp để nhìn lại hệ thống VBQPPL Việt Nam.

Hiện chúng tôi đang được Chủ tịch QH giao cho làm cuốn sách về “QH khóa XIII Kế thừa Đổi mới và Phát triển”, đang ở dự thảo lần 3 và chuẩn bị được hoàn thiện in ấn để gửi tới đại biểu QH khóa XIV vào kỳ họp thứ hai này. Đây là một dịp để tổng kết nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong đó có hoạt động lập pháp, phân tích quá trình phát triển hoạt động của QH…

Cũng phải nói rằng, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có một văn bản luật về làm luật, đó là Luật Ban hành VBQPPL, một công cụ giúp QH xây dựng luật ngày càng nhiều hơn về số lượng và tốt hơn về chất lượng.

Việc liên tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống VBQPPL Việt Nam là một yêu cầu tất yếu của thực tiễn. Trong nhu cầu phát triển cùng thế giới, công tác này cần được thực hiện như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Theo tinh thần của Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, sau khi có Hiến pháp 2013 và từ định hướng của Đảng, QH khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về triển khai thực thi Hiến pháp, trong đó có nhiệm vụ thứ nhất tuyên truyền phổ biến bản Hiến pháp, thứ hai là các cơ quan Nhà nước phải tiến hành tổng rà soát tất cả VBQPPL từ cao xuống thấp, từ đó phát hiện những gì chồng chéo với Hiến pháp thì dừng ngay, hủy bỏ, điều gì có quy định rồi nhưng phù hợp một phần, một phần chưa phù hợp thì phải chỉnh sửa, còn mảng nào trống vắng thì kịp thời bổ sung. Theo tinh thần đó, nghị quyết của QH đã tập trung chia thành 4 nhóm VBQPPL.

Nhóm thứ nhất là liên quan về tổ chức, nhóm văn bản luật này phải được làm ngay, thể hiện được tinh thần tổ chức quyền lực của Nhà nước tập trung thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, gồm các luật: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận, Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu Hội đồng nhân dân. Các luật này đã được QH khóa XIII hoàn thành trước 31-12-2015, đến thời điểm này, khi bước sang nhiệm kỳ QH khóa XIV các văn bản luật về tổ chức đã được hoàn thành.

Nhóm thứ hai liên quan đến quyền con người, quyền công dân, đây là một trọng tâm hết sức mới theo tinh thần của Hiến pháp 2013, khi những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đưa trang trọng tại chương II của Hiến pháp với tinh thần nội dung mới và để thực hiện thì phải xây dựng văn bản luật để điều chỉnh. Ví như trước đây quy định về quyền hội họp, biểu tình đã có nhưng chưa có luật điều chỉnh nên QH khóa XIII đã đưa vào chương trình làm luật yêu cầu tập trung sớm ban hành những luật thực thi quyền con người.

Cái mới của Hiến pháp 2013 là Điều 12 quy định, nước CHXHCN Việt Nam tuân thủ Hiến chương của Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Để thực hiện quy định này, QH khóa XIII đã chú ý và ban hành một số luật như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Báo chí, đối với Luật về Hội lẽ ra QH thông qua rồi nhưng để làm kỹ hơn nên dự kiến sẽ thông qua vào cuối năm 2016, hay Luật Biểu tình đã đưa vào chương trình làm luật, dự kiến ban đầu là đầu năm 2016 sẽ ban hành nhưng hiện giờ Chính phủ chưa có được dự thảo cụ thể. Rõ ràng, mảng VBQPPL liên quan đến quyền con người, quyền nghĩa vụ công dân cần được tiếp tục hoàn thiện bởi đây là công việc vừa cấp bách, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn và là yêu cầu pháp lý.

Nhóm thứ ba là hệ thống VBQPPL về kinh tế. Việt Nam đang hội nhập, nhất là chúng ta đang tham gia AEC và sẽ tham gia vào TPP. Từ QH khóa XI mảng văn bản luật này đã được QH quan tâm theo tinh thần của Hiến pháp năm 1992 là tập trung mảng pháp luật về kinh tế, do đó, mảng văn bản luật đã tương đối đầy đủ. Hiện đang tập trung hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013, đó là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhiều thành phần trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân giữ vai trò động lực của nền kinh tế. Lần đầu tiên trong Hiến pháp  đã xác định vị trí của doanh nhân và một loạt luật như Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, các luật về thuế đã được xây dựng và sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Nhóm thứ tư là các VBQPPL trong lĩnh vực quốc phòng an ninh và đối ngoại, sau khi có Hiến pháp 2013, Quốc hội đã tập trung xây dựng được một số đạo luật như Luật Sỹ quan quân đội, Luật Công an nhân dân, về mảng đối ngoại thì có Luật sửa đổi ký kết điều ước quốc tế, sắp tới có Luật Dân quân tự vệ, Luật Công xã.

Vậy những thách thức đặt ra cho quá trình này trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, về nhân lực để làm luật thì số lượng chưa nhiều, chất lượng kinh nghiệm còn khiêm tốn, đặc biệt là chế độ chính sách đối với chính những người xây dựng chính sách chưa được thỏa đáng, các cán bộ của vụ pháp chế các bộ ngành luôn là những người làm việc khá vất vả nhưng chế độ lương thưởng chưa thỏa đáng, đây cũng là vấn đề cần nhìn thấy. Muốn có sản phẩm tốt thì cũng cần quan tâm đến đối tượng làm ra sản phẩm đó.

Ngoài ra, để một văn bản luật tốt, đi vào thực tiễn cuộc sống thì các khâu từ cơ quan thẩm định đến thẩm tra cần nâng cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, người dân và cử tri, ví như đối với Bộ luật Hình sự cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, phải nói đến trách nhiệm ở từng khâu, từng bộ phận.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta cần thực sự chú trọng đến chất lượng làm luật. Nói về số lượng, ví như trong chương trình xây dựng luật của QH khóa XIV năm 2017 và điều chỉnh 2018 với hơn 30 dự án luật là quá tải, như vậy thì khó có chất lượng được, từ khâu soạn thảo đến thẩm định, thẩm tra và ban hành. Nói về thách thức trong công tác xây dựng luật thời gian tới cũng phải nhắc đến việc điều chỉnh các VBQPPL liên quan đến TPP. Để thực hiện những quy tắc trong TPP có những điều luật sửa khá khó bởi khác với những nguyên tắc xây dựng pháp luật của chúng ta từ trước tới nay, ví dụ như vấn đề công đoàn hay những vấn đề liên quan đến quản lý hệ thống cảng cá, bến cá dọc bờ biển.

Cũng phải thừa nhận rằng hiện nay tình trạng luật khung, luật ống dẫn đến văn bản thi hành quá nhiều gây ra nợ đọng văn bản, đây cũng là khâu yếu nhất trong chức năng giám sát của QH. Hiện nay các hoạt động giám sát bằng chất vấn hội trường, giám sát chuyên đề đã được QH thực hiện khá tốt nhưng hoạt động giám sát VBQPPL là chưa tốt, các văn bản có phù hợp thực tiễn hay không, có đi vào cuộc sống hay không nhiều khi QH cũng chưa nắm hết được.

Nói nhiều về các khía cạnh của việc xây dựng VBQPPL nhưng điều cuối cùng tôi quan tâm vẫn là liên quan đến con người. Để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quan trọng nhất vẫn là con người. Luật ban hành nhiều nhưng phải có đánh giá để tuyên dương, khen thưởng những cơ quan, tổ chức nào có nhiều đóng góp trong hoạt động lập pháp cũng như có những hình thức đối với cơ quan, tổ chức làm không tốt nhiệm vụ của mình, theo đó, chúng ta có thể đưa ra danh hiệu trong lĩnh vực hoạt động lập pháp để khuyến khích hơn nữa những cống hiến cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Trong việc xây dựng các văn bản luật mảng kinh tế, tôi đánh giá cao mảng pháp luật của ngành Hải quan. Lĩnh vực Hải quan đã đi đầu trong việc hoàn thiện văn bản pháp luật và những văn bản cũng đáp ứng tinh thần hội nhập quốc tế rất sớm. Để chuẩn bị cho việc thực thi TPP, Chính phủ đã rà soát có khoảng 10 luật và 30 văn bản dưới luật phải sửa đổi bổ sung và phải làm sớm vì dự kiến năm 2018 TPP sẽ có hiệu lực. Đây là khối lượng công việc khá lớn cho QH khóa XIV.

Ông Đinh Xuân Thảo       

Xin cảm ơn ông!

 

Hồ Huệ

Theo Báo Hải quan

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,977

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079