Sửa Hiến pháp: Lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân

10/08/2011 17:30 PM

Tại phiên họp đầu tiên UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ưu ý, hoạt động của UB phải đảm bảo nguyên tắc sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời giữ vững nguyên tắc tập trung, dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Sáng 9/8, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã họp phiên thứ nhất tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Ủy ban, để thống nhất quy chế, kế hoạch hoạt động của Ủy ban và dự thảo Kế hoạch tổng kết thi hành Hiến pháp 1992.

Theo dự thảo Quy chế hoạt động, Ủy ban có nhiệm vụ thảo luận các vấn đề thuộc nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; tổ chức tổng kết thi hành Hiến pháp 1992; tập hợp ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp; nghiên cứu thông tin, tư liệu liên quan và xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992… 

Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng có nhiệm vụ khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung sửa đổi Hiến pháp và biên soạn, chỉnh lý các văn bản này.

Các thành viên Ủy ban đề nghị để đảm bảo chất lượng của dự thảo, cần chọn lựa vào bộ phận này những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu Hiến pháp, trong đó cũng cần bổ sung các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực kinh tế.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị bổ sung các chuyên gia giảng dạy pháp luật tại các trường đại học Luật lớn tham gia vào Ban Biên tập. 

Nhấn mạnh đến yêu cầu công khai, minh bạch và công tác tuyên truyền trong tiến trình xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Trần Hanh đề nghị đăng tải trên các cơ quan báo chí về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung; đồng thời tổ chức để người dân tham gia trực tiếp vào việc góp ý sửa đổi Hiến pháp; coi đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong nhân dân để tạo đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, quá trình hoạt động của Ủy ban phải đảm bảo nguyên tắc sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng giữ vững nguyên tắc tập trung, dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Chủ tịch QH cho rằng, hoạt động của Ủy ban phải đáp ứng các yêu cầu về khoa học pháp lý, đồng thời bám sát Cương lĩnh, đường lối chủ trương của Đảng kết hợp với tình hình thực tiễn, xu thế thời đại để có dự thảo sửa đổi có chất lượng cao. 

Chủ tịch Quốc hội đồng ý phân công ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH, ủy viên Ủy ban, Trưởng Ban Biên tập là người phát ngôn của Ủy ban.

Theo TTXVN

Sửa Hiến pháp: Giải mã 'quyền lực nhà nước thuộc về dân'
Thảo luận về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp và lập UB dự thảo sửa đổi, các ĐBQH đề nghị làm rõ tư tưởng "quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân".
Hiến pháp và Điều lệ Đảng, mấy điều suy nghĩ
Điều 4 Hiến pháp khẳng định: "Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Điều lệ Đảng viết: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền". Lãnh đạo và cầm quyền không phải là những khái niệm tương đương.
Sửa Hiến pháp để dân nắm mọi quyền lực
Theo Bộ trưởng Tư pháp, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là một trong các trọng tâm của cải cách sắp tới, với nguyên tắc "tất cả quyền lực thuộc về nhân dân".


Chia sẻ bài viết lên facebook 1,939

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079