Ngày 11/8, Liên đoàn luật sư Việt Nam công bố Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Ông Nguyễn Minh Tâm (Phó tổng thư ký Liên đoàn) cho biết với 27 điều bộ quy tắc đã tạo dựng "hành lang" trong các quan hệ hành nghề của luật sư. Việc này sẽ giúp hạn chế tiêu cực, nâng vị thế của luật sư trong xã hội...
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh trao cuốn "Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam" cho đại diện các Đoàn luật sư. Ảnh: A.T |
Các tiêu chuẩn đạo đức trong quan hệ với khách hàng là nội dung quan trọng của bộ quy tắc. Theo đó, luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin cho khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc; không được phân biệt đối xử về tình trạng tài sản, giới tính, tuổi tác...
"Mối quan hệ này là "lửa thử vàng" đối với cá nhân luật sư. Uy tín, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp đều xuất phát từ nền tảng này", luật sư Tâm cho hay.
Bản quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp nghiêm cấm luật sư sử dụng thông tin biết được từ vụ việc đảm nhận nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân; lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với khách hàng...
Trong quan hệ với người cùng nghề, luật sư không được hạ thấp uy tín đồng nghiệp; gây áp lực, đe dọa hoặc sử dụng các thủ thuật trái pháp luật và đạo đức gây bất lợi cho đồng nghiệp, giành lợi thế cho mình trong hành nghề... Họ cũng không được môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để đòi tiền hoa hồng; xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình...
Trả lời VnExpress.net, Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Thảo cho hay, ai vi phạm những quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp sẽ bị khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ, thậm chí xóa tên khỏi đoàn luật sư.
Anh Thư