‘Phân xử tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông theo luật quốc tế’

22/03/2012 10:00 AM

- Nếu không phân xử tranh chấp tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế thì nên đạt được một thỏa thuận để phát triển năng lượng - Thứ trưởng Mỹ nói bên lề Thượng đỉnh Năng lượng TBD ở Hà Nội.


Tờ Bloomberg dẫn lời quan chức Mỹ nói rằng, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông - vùng biển được tin là giàu tài nguyên dầu khí, đòi hỏi một giải pháp nhanh chóng và hòa bình để thúc đẩy sản xuất năng lượng và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trong khu vực.

“Đây là khu vực mà nhu cầu năng lượng đang gia tăng mạnh mẽ nhất thế giới nhưng có lẽ cũng là nơi xảy ra nhiều tranh chấp hơn mọi khu vực khác. Điều đó đã ngăn cản hoạt động sản xuất năng lượng mà khu vực cần để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng”, tờ Platts Oilgram dẫn lời ông Robert Hormats, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường nói trong cuộc họp báo bên lề hội nghị Thượng đỉnh Năng lượng Thái Bình Dương tại Hà Nội ngày 21/3.

Ông Robert Hormats, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường. Ảnh: ucla

Chế ngự tranh chấp

Thứ trưởng Mỹ cho rằng cần giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và hòa bình.

"Nhanh chóng vì khu vực cần năng lượng và hòa bình. Bất kỳ sự bất ổn định nào trong khu vực này có thể sẽ cản trở hoạt động sản xuất và không khuyến khích đầu tư dài hạn cần thiết để thực hiện các cam kết vốn lớn”.


Biển Đông trải rộng trên 1,7 triệu km vuông gồm hơn 200 hòn đảo (hầu như không có người ở), bãi đá ngầm… và được cho là rất giàu tài nguyên dầu khí cũng như nguồn cá.

Mặc dù có nhiều nước tuyên bố chủ quyền với Biển Đông (như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) và tồn tại tình trạng chồng lấn chủ quyền, thì tranh chấp thường được coi là xảy ra giữa Trung Quốc - nước tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông và các bên còn lại.

Kể từ đầu năm 2011 trở lại đây, cả Philippines và Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc các hành động mang tính gây hấn của Trung Quốc trong vùng biển này như cắt cáp tàu thăm dò, xâm nhập lãnh hải, đe dọa tàu cá…

"Các lãnh thổ tranh cãi và tranh chấp có thể được chế ngự nếu chúng không bị đem ra tính toán một cách thực dụng - khả năng phát triển dầu khí là cách để giúp khu vực đáp ứng nhu cầu của mình”, Thứ trưởng Mỹ nói.

Ông cũng nhắc vai trò của Mỹ là khuyến khích các bên liên quan đưa ra các biện pháp giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc “không ép buộc”.


Ông Hormats còn chỉ ra rằng, có rất nhiều tiềm năng dầu khí ở Biển Đông nhưng đáng tiếc nó nằm trong những khu vực có tranh chấp tuyên bố chủ quyền. Ông khẳng định cách giải quyết tranh chấp trong khu vực, thúc đẩy sản xuất năng lượng là: "Hoặc phân xử tuyên bố chủ quyền theo luật pháp quốc tế, hoặc đạt được thỏa thuận để phát triển năng lượng”.

Biển Đông được một số chuyên gia phân tích của Trung Quốc mô tả là vựa dầu, khí và nhiên liệu hóa thạch khổng lồ. Họ ước tính trữ lượng dầu vào khoảng 23-30 triệu tấn, tương đương 1/3 tổng nguồn tài nguyên dầu khí của Trung Quốc. Ước tính trữ lượng khí tự nhiên ở Biển Đông cũng rất lớn. Một ước tính của Trung Quốc cho thấy toàn bộ khu vực này có trữ lượng hơn 50 nghìn tỷ mét khối khí.

Thái An

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,170

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079