'Miễn trừ - quyền đặc biệt nhất của đại biểu Quốc hội'

18/04/2012 16:52 PM

Đại biểu có quyền miễn trừ, không bị bắt giam hay bị khám xét nơi ở và nơi làm việc nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, đây là quyền đặc biệt nhất đối với mỗi đại biểu Quốc hội Việt Nam.

Luật Tổ chức Quốc hội (2002, sửa đổi bổ sung 2007) dành hẳn một chương để quy định về đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Theo đó, "đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội" (điều 43).

Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, miễn trừ là quyền đặc biệt nhất đối với mỗi đại biểu Quốc hội Việt Nam. Theo điều 58: "Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội".

Ông Dũng cho biết, nhiều nước thậm chí còn quy định thêm "đặc quyền" đối với đại biểu về việc không phải chịu trách nhiệm dân sự, hình sự với các phát biểu trước Quốc hội (tất nhiên trách nhiệm chính trị thì đại biểu vẫn phải chịu).

"Có khi đại biểu phát biểu làm ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều người, nếu như vậy họ sẽ không dám phát biểu, thành thử các nước cho đại biểu hưởng đặc quyền này. Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho các đại biểu, nghị sĩ hưởng đặc quyền này nhưng các bản Hiến pháp về sau thì bỏ", ông Dũng cho biết.

Ảnh: Tiến Dũng.
Quốc hội khóa 13 họp phiên toàn thể. Ảnh: Tiến Dũng.

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội có những nhiệm vụ, quyền hạn như: Tham gia các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp của Tổ đại biểu Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; Chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định; Kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội còn có các nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định cụ thể trong Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, các quy chế hoạt động, nội quy kỳ họp Quốc hội...

Khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu, đại biểu Quốc hội có quyền liên hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tiếp và đáp ứng những yêu cầu của đại biểu Quốc hội (Điều 54). Luật cũng quy định, đại biểu Quốc hội phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân (điều 46).

Tuy nhiên, khi đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tuỳ mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm (điều 56). Theo quy định này, "Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam, Uỷ ban MTTQ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó.

Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định".

Theo nguyên đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, xét theo quy định này thì cơ chế bãi nhiệm còn rất chung chung. Do việc lấy ý kiến toàn bộ cử tri là gần như không khả thi nên để bãi nhiệm đại biểu nào đó thường thực hiện theo đề nghị của MTTQ. Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc vào mức độ giám sát của MTTQ cấp cơ sở.

"Cần có cơ chế cụ thể, rõ ràng đối với vấn đề này", ông Thuyết nêu quan điểm và cho rằng, ngoài cơ chế bãi nhiệm còn cần phải quy định rõ quy trình thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội khi Quốc triệu tập lần đầu. Hiện, Quốc hội không có quy trình này nên buổi sáng bầu Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu thì buổi chiều đã ra nghị quyết về thẩm tra tư cách.

Nguyễn Hưng


Chia sẻ bài viết lên facebook 12,680

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079