Ưu tiên phổ biến pháp luật đến ngư dân

14/04/2012 08:01 AM

Tiếp thu ý kiến ĐB tại kỳ họp trước, dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật bổ sung ngư dân vào các đối tượng đặc thù trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chung Hoàng

UB Pháp luật QH, cơ quan thẩm tra dự luật, nhận định ngư dân là những người hoạt động dài ngay trên biển, ít có khả năng điều kiện thực tế tiếp cận các quy định của pháp luật.

Trong các đối tượng đặc thù này còn có người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Dự kiến họ sẽ được phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật về dân tộc, quốc phòng, an ninh, biên giới, chủ quyền quốc gia, biển, đảo, tài nguyên, khoáng sản…

Người lao động trong các doanh nghiệp; người khuyết tật; phạm nhân, người bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, chữa bệnh… cũng là những đối tượng được ưu tiên phổ biến, giáo dục pháp luật.

Báo cáo trước Thường vụ chiều nay (13/4), UB Pháp luật còn đề nghị bổ sung “cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang” vào đối tượng đặc thù do “đây là những người cần được trang bị kiến thức pháp luật sâu và đầy đủ để thực hiện việc lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động chuyên môn hoặc trực tiếp thực hiện việc phổ biến giáo dục pháp luật”.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thấy điểm này thiếu hợp lý. Theo bà Ngân, cán bộ, công chức đương nhiên phải hiểu biết pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền lý giải rằng trên thực tế, nhiều cán bộ cơ sở chưa thực sự am hiểu pháp luật, trong thực thi nhiệm vụ có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích người dân mà Tiên Lãng là một bài học, nên họ cũng cần được ưu tiên phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bà Kim Ngân đồng tình sự cần thiết có các cán bộ hiểu luật, song cho rằng đây là tiêu chuẩn, nhiệm vụ và là trách nhiệm của bản thân cán bộ và các cơ quan, chứ không nên đưa họ vào đối tượng đặc thù cùng với những người ít có điều kiện tìm hiểu pháp luật.

UB Pháp luật cũng đề nghị bỏ đối tượng đặc thù là nạn nhân của bạo lực gia đình, mua bán người vì bản thân những người này là nạn nhân của hành vi vi phạm pháp luật do người khác gây ra đối với họ.

“Nếu cần phổ biến, giáo dục pháp luật để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và mua bán người thì đối tượng cần được phổ biến, giáo dục pháp luật phải là những người có khả năng thực hiện các hành vi trên”, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nói.

Song Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền không đồng ý. Theo bà, nạn nhân của bạo hành gia đình, mua bán người phần đông là nữ giới, trình độ hạn chế, yếu thế trong xã hội và ngay trong gia đình, tổ ấm của mình.

“Giáo dục pháp luật không chỉ cần sau khi họ trở thành nạn nhân mà cả trước khi đó, nếu xác định được họ là đối tượng có nguy cơ”, bà Hiền nói. “Họ cần biết cách tự bảo vệ mình, cũng cần hiểu luật như những người gây ra hành vi phạm tội”.

Dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ được tiếp tục chỉnh lý để đưa ra thảo luận tại kỳ họp QH tới.

Chung Hoàng


Chia sẻ bài viết lên facebook 2,504

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079