Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận thương binh đối với thương binh đang tại ngũ, công tác

21/11/2022 17:58 PM

Cho tôi hỏi hiện nay, thủ tục cấp lại giấy chứng nhận thương binh đối với thương binh đang tại ngũ, công tác được quy định thế nào? - Ngọc Mai (Đồng Nai)

Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận thương binh đối với thương binh đang tại ngũ, công tác

Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận thương binh đối với thương binh đang tại ngũ, công tác

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định 4576/QĐ-BQP ngày 06/11/2022 về công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực chính sách người có công với cách mạng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng. 

1. Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận thương binh đối với thương binh đang tại ngũ, công tác

Theo đó, Quyết định 4576/QĐ-BQP hướng dẫn về thủ tục cấp lại giấy chứng nhận thương binh đối với thương binh đang tại ngũ, công tác như sau:

1.1 Thành phần hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận thương binh

- Đơn đề nghị cấp bổ sung hoặc cấp lại giấy chứng nhận người có công/thân nhân liệt sĩ (Mẫu số 25 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP);

Mẫu số 25

- Văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên;

- Văn bản đề nghị của cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ (trường hợp đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục trưởng Cục Chính sách).

1.2 Trình tự thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận thương binh

Trình tự thực hiện cấp lại giấy chứng nhận thương binh đối với thương binh đang tại ngũ, công tác được quy định như sau:

Bước 1: Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 25 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP gửi cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cấp trung đoàn và tương đương trở lên.

Bước 2: Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cấp trung đoàn và tương đương trở lên, trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn của cá nhân, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận và có văn bản đề nghị theo phân cấp (cấp sư đoàn và tương đương trong thời gian 03 ngày), gửi đến cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ nơi quản lý hồ sơ thương binh.

Bước 3: Cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ nơi quản lý hồ sơ thương binh, trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ, báo cáo Tư lệnh hoặc Chính ủy quân khu cấp lại giấy chứng nhận thương binh đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của quân khu, chuyển về cơ quan, đơn vị đề nghị để cấp cho đối tượng.

Các trường hợp còn lại có văn bản kèm theo hồ sơ thương binh đề nghị Cục Chính sách.

Bước 4: Cục Chính sách trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm kiểm tra.

Cục trưởng Cục Chính sách cấp lại giấy chứng nhận thương binh; chuyển giấy chứng nhận thương binh và hồ sơ về cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ để quản lý và thực hiện.

1.3 Một số quy định khác về thủ tục cấp lại giấy chứng nhận thương binh

- Cách thức thực hiện: Qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc trực tiếp.

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

- Thời hạn giải quyết: 20 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị (thời gian cụ thể quy định tại từng bước của quy trình thực hiện).

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân.

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

+ Cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định: Tư lệnh hoặc Chính ủy quân khu (đối tượng thuộc quân khu quản lý), Cục trưởng Cục Chính sách (đối tượng của các cơ quan, đơn vị còn lại).

+ Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): Không.

+ Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan, đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên.

+ Cơ quan phối hợp (nếu có): Cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ.

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Cấp lại giấy chứng nhận thương binh.

- Lệ phí: Không.

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn đề nghị cấp bổ sung hoặc cấp lại giấy chứng nhận người có công/thân nhân liệt sĩ (Mẫu số 25 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP).

- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Đối tượng đã được công nhận là thương binh đang tại ngũ, công tác trong Quân đội; hiện không còn giấy chứng nhận thương binh.

2. Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận thương binh

Căn cứ khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh người có công với cách mạng 2020 thì:

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân bị thương có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên thì được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét công nhận là thương binh, cấp “Giấy chứng nhận thương binh” và “Huy hiệu thương binh” khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;

- Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp với vùng địch chiếm đóng;

- Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;

- Bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh mà để lại thương tích thực thể;

- Làm nghĩa vụ quốc tế;

- Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;

- Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;

- Do tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định;

- Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm;

- Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Văn Trọng

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,751

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079