Vụ án oan 10 năm: Sẽ chất vấn Chánh án TANDTC

06/11/2013 09:31 AM

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết sẽ chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về vụ án đặc biệt này.

Trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, đại biển Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai cho biết, ông và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm tới vụ án oan sai đối với ông nguyễn Thanh Chấn, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (lĩnh án chung thân vì tội giết người) vừa được Viện KSND Tối cao trao quyết định trả tự do sau hơn 10 năm ngồi tù.

Tại Kỳ họp, nếu có điều kiện, ông Dương Trung Quốc sẽ chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về vụ án đặc biệt này.

PV: Cảm xúc của ông như thế nào về vụ sau 10 năm ông Nguyễn Thanh Chấn được giải oan?

Ông Dương Trung Quốc: Điều đầu tiên, tôi mừng cho ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình, đồng thời suy nghĩ về điều đã gây nên oan ức cho ông Chấn. Qua vụ việc tôi nghĩ đến các bộ phim hình sự của Mỹ, đó là nhiều khi người ta phải tự đi giải quyết việc của mình, tự giải oan cho mình.


Ông Dương Trung Quốc trả lời báo chí về vụ án oan sai kéo dài 10 năm

Tất nhiên ở đây là vấn đề xã hội, vấn đề rất lớn. Cái gì đã khiến cho sau 10 năm mọi chuyện mới sáng tỏ? Vậy câu chuyện cách đây 10 năm là như thế nào? Tỷ lệ án oan là bao nhiêu? Trong án oan ấy có bao nhiêu án oan được giải? Đó là một câu hỏi rất là khó có câu trả lời thỏa đáng.

Nếu theo dõi ở Quốc hội, ta sẽ thấy một thực trạng là cơ quan tham gia vào quá trình điều tra tố tụng đều nói sự quá tải của mình. Đặc biệt tôi chú ý đến việc xét xử đi, xét xử lại rất nhiều lần, qua nhiều cấp, mà mỗi cấp lại lại có những kết luận gần như trái ngược lại nhau. Điều đó tạo ra cảm giác, phải chăng chính sự đưa đẩy và đằng sau sự đưa đẩy ấy có những mặt tiêu cực? Tôi cho rằng có vấn đề liên quan đến chất lượng của bộ máy điều tra, bộ máy xét xử.

PV: Ông nghĩ như thế nào khi một công dân vô tội phải ký vào các bút lục nhận tội?

Ông Dương Trung Quốc: Có thể nói đó là một thực trạng... Chỉ khi ra tòa thì họ mới khai, bởi vì chắc chắn thời kỳ tạm giam là thời kỳ họ bị khống chế, chịu nhiều áp lực trực tiếp. Họ chỉ biết rằng, khi ra tòa mới có thể nói điều họ muốn nói, thì việc họ phải khai thuận theo điều tra là điều dễ hiểu.

PV: Vậy việc cải cách tư pháp đã làm được những điều như ông nói chưa?

Ông Dương Trung Quốc: Chưa làm được! Chúng ta thấy vai trò của luật sư tuy đã thay đổi rất nhiều, nhưng số lượng luật sư rất ít. Điều kiện, khả năng cho số đông người dân, nhất là những không có điều kiện rất là hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng trên.

Tôi lấy ví dụ như việc có ép cung hay không ép cung? Bị ép cung bởi vì áp lực, trong đó có những hành vi mà pháp luật không cho phép.

PV: Cách đây vài năm, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, án oan sai được đưa ra nói rất mạnh mẽ, nhưng gần đây thưa dần. Phải chăng án oan đang ítđi?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi chưa rõ là trong quá trình gia đình kêu oan thì các cơ quan dân cử, HĐND, đại biểu Quốc hội đã tiếp cận được chưa và đã tạo ra áp lực theo quy định của pháp luật hay chưa? Hiện nay tôi cũng có một vài vụ án đang được đặt vấn đề. Nhưng nhiều khi chính bản thân chúng tôi đưa yêu cầu Tòa án Nhân dân Tối cao, nhưng Tòa án chưa trả lời thì đã xử lại rồi. Nếu lần này có cơ hội chất vấn Chánh án TAND Tối cao thì tôi sẽ hỏi.

PV: Phải chăng những lá đơn mà ông Chấn và gia đình gửi các cơ quan chức năng trong 10 năm qua không được các cơ quan quan tâm?

Ông Dương Trung Quốc: Theo kinh nghiệm của một đại biểu Quốc hội, cơ quan chức năng có trả lời những lá đơn đó, nhưng phải làm đi làm lại nhiều lần; cũng có những đơn không trả lời, chưa trả lời nhưng vụ án vẫn được đưa ra xét xử.

Không phải cá nhân tôi mà nhiều đại biểu từng tham gia vào những vụ án như thế này và đều không nhận được hồi âm, nhưng bản án vẫn tiếp tục được xử.

PV: Về thông tin trả lời báo Tuổi Trẻ, ông chủ tọa phiên tòa xử sơ thẩm vụ ông Nguyễn Thanh Chấn nói: “Tôi quên phiên xét xử đó rồi. Giờ bị cáo bị oan sai thì trách nhiệm là do Quốc hội chứ biết sao được”, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Dương Trung Quốc: Điều này thể hiện việc xét xử vụ án do nhiều lý do khác nhau, kể cả áp lực về khối lượng quá lớn, bởi họ xét xử dựa trên kết quả điều tra của cơ quan công an.

Nếu nói trách nhiệm của đại biểu Quốc hội thì phải chỉ rõ là của đại biểu nào, đại biểu đó có nhận được đơn và đi đến cùng theo trách nhiệm của họ hay không, không nên đổ lỗi cho nhau như vậy.

PV: Theo ông, làm sao để không có những người bị kết án oan như những vụ vừa rồi?

Ông Dương Trung Quốc: Rõ ràng là phải làm sao cho mọi chuyện minh bạch trong quá trình xét xử và hỗ trợ tư pháp cho các phạm nhân, nhất là đối với những người không có điều kiện để tự bảo vệ mình.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Lại Thìn ghi

VOV online

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,925

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079