Sẽ có luật về biểu tình, lập hội

09/12/2013 16:48 PM

Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý hôm nay (9/12) giải trình về chương quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sau khi Hiến pháp được Chủ tịch nước chính thức ký lệnh công bố.

Nhiều ý kiến cho rằng việc đưa nội dung này từ chương V lên chương II chỉ là thay đổi vị trí, nhưng theo ông Phan Trung Lý, cũng là Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đây là một thay đổi rất lớn, một bước tiến dài.


Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Hiến pháp mới. Ảnh: Chung Hoàng.

"Nội dung này chỉ đứng sau chế độ chính trị là vấn đề quan trọng nhất. Cũng không phải dễ dàng để thay đổi nhận thức về điều này, chấp nhận khái niệm quyền con người, việc thể hiện quyền con người trong Hiến pháp bằng những quy định cụ thể.

Một thời gian khái niệm quyền con người ở Việt Nam có những thang bậc phát triển khác nhau, có thời hạn chế sử dụng khái niệm này, đến Hiếp pháp 1992 chỉ quy định chung, đồng nghĩa quyền con người và quyền công dân", ông Phan Trung Lý nhấn mạnh chi tiết trong Hiến pháp mới về Nhà nước tôn trọng và đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Nhưng Chủ nhiệm UB Pháp luật QH lưu ý: Hiến pháp cũng trù liệu những trường hợp quyền con người bị hạn chế khi thật sự cần thiết do luật vì các lý do như chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, quốc phòng an ninh..., nhằm đảm bảo an toàn cho con người, phù hợp với các công ước quốc tế.

Ông Phan Trung Lý cũng chỉ ra: Những quyền như biểu tình, hội họp, nếu trong Hiến pháp 1992 là phải theo quy định của pháp luật, thì lần này xác định Hiến pháp đã quy định thì quyền đó là có, không phải chờ đến luật và pháp luật nữa.

"Nhưng luật sẽ quy định trình tự, thủ tục tạo điều kiện cho công dân thực hiện các quyền này. Hạn chế quyền phải là luật, song tạo điều kiện cho quyền sẽ là pháp luật, vì thang bậc rộng hơn sẽ làm lợi cho người dân nhiều hơn", ông Lý nói.

Bên cạnh việc rà soát lại và bổ sung mới các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp để khả thi hơn, nâng tầm cho phù hợp các điều ước quốc tế, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH cho biết việc làm luật để cụ thể hóa đã có trong chương trình.

"Các luật về biểu tình, lập hội lâu nay bị đưa ra đưa vào với nhiều ý kiến khác nhau cũng là do việc chuẩn bị QH thấy chưa thật chất lượng, chưa đạt yêu cầu. Theo yêu cầu của Hiến pháp lần này, các luật ấy sẽ có", ông Phan Trung Lý khẳng định.

Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng nhân đó nhắc nhở rằng ngày mai 10/12 là ngày Quyền con người thế giới.

Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được QH thông qua ngày 28/11 tại kỳ họp thứ 6 vừa rồi, được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 8/12 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

Chung Hoàng

Theo VietNamNet

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,786

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079