Đã có Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (Hình cắt từ văn bản)
Ngày 24/4/2024, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Đơn cử, một số nội dung của tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) được hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP như sau:
* Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) bao gồm:
- Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy 2001;
- Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
* Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)
Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Thực hiện một hoặc nhiều hành vi hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP;
- Có thiệt hại xảy ra theo quy định tại một trong các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017);
- Hành vi vi phạm phải có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm và ngược lại hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
* Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)
- “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời" quy định tại khoản 4 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) là hành vi vi phạm hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP mà thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Chưa xảy ra cháy nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn sẽ cháy và dẫn đến thiệt hại quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017);
+ Đã xảy ra cháy và tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) nhưng do được ngăn chặn kịp thời nên thiệt hại dưới mức quy định tại khoản 1 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
- “Ngăn chặn kịp thời" là trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp ngăn chặn ngay sau khi có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như: dập tắt đám cháy, di chuyển chất nguy hiểm về cháy ra khỏi nơi đông người, mang nguồn lửa, nguồn nhiệt ra khỏi nơi có quy định cẩm,... để không xảy ra cháy hoặc đã xảy ra cháy nhưng thiệt hại dưới mức quy định tại khoản 1 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Ví dụ: khi vào đổ xăng, A đang hút thuốc lá (lúc này tại cây xăng có 10 người). B yêu cầu A ra ngoài dập tắt thuốc nhưng A không thực hiện mà còn ném điếu thuốc lá đang cháy xuống đất làm lửa bùng cháy, ngay lập tức B đã dùng bình cứu hỏa để dập tắt đám cháy nên chưa có hậu quả xảy ra. Hành vi của A vi phạm quy định về “mang nguồn lửa vào nơi có quy định cấm lửa” và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Xem thêm tại Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP được thông qua vào ngày 24/4/2024 và có hiệu lực từ ngày 18/6/2024.