Đề xuất trình tự luân chuyển và kiểm tra chứng từ kế toán

11/06/2024 15:40 PM

Dự thảo Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp thay thế Thông tư 200 đã đề xuất trình tự luân chuyển và kiểm tra chứng từ kế toán.

Đề xuất trình tự luân chuyển và kiểm tra chứng từ kế toán

Đề xuất trình tự luân chuyển và kiểm tra chứng từ kế toán (Hình từ Internet)

Dự thảo Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp

1. Đề xuất trình tự luân chuyển và kiểm tra chứng từ kế toán

Theo Điều 11 Dự thảo Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp thay thế Thông tư 200, trình tự luân chuyển và kiểm tra chứng từ kế toán được đề xuất như sau:

- Tất cả các chứng từ kế toán do doanh nghiệp lập hoặc từ bên ngoài chuyển đến đều phải tập trung vào bộ phận kế toán doanh nghiệp. Bộ phận kế toán kiểm tra những chứng từ kế toán đó và chỉ sau khi kiểm tra tính pháp lý về việc chứng từ kế toán có đầy đủ các nội dung chủ yếu và có đủ chữ ký theo quy định trên chứng từ kế toán thì mới được sử dụng những chứng từ đó để ghi sổ kế

toán.

- Trình tự luân chuyển chứng từ kế toán bao gồm các bước sau:

+ Lập, tiếp nhận, xử lý chứng từ kế toán;

+ Kế toán viên, kế toán trưởng kiểm tra và ký chứng từ kế toán hoặc trình Giám đốc doanh nghiệp ký duyệt theo đúng chức danh quy định trên chứng từ; - Phân loại, sắp xếp chứng từ kế toán, định khoản và ghi sổ kế toán;

+ Lưu trữ, bảo quản chứng từ kế toán.

- Trình tự kiểm tra chứng từ kế toán.

+ Kiểm tra tính rõ ràng, trung thực, đầy đủ của các chỉ tiêu, các yếu tố ghi chép trên chứng từ kế toán;

+ Kiểm tra tính hợp pháp của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh đã ghi trên chứng từ kế toán, đối chiếu chứng từ kế toán với các tài liệu khác có liên quan;

+ Kiểm tra tính chính xác của số liệu được tính toán trên chứng từ kế toán.

- Khi kiểm tra chứng từ kế toán nếu phát hiện hành vi vi phạm chính sách, chế độ, các quy định về quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước thì người kiểm tra chứng từ kế toán phải thông báo ngay cho bộ phận kế toán để bộ phận kế toán thông báo người ra quyết định biết để xử lý kịp thời theo pháp luật hiện hành và bảo lưu ý kiến chuyên môn khi có ý kiến khác với ý kiến của người ra quyết định. Đối với những chứng từ kế toán lập không đúng thủ tục thì phải yêu cầu làm thêm thủ tục hoặc nội dung và chữ số không rõ ràng, chứng từ kế toán bị tẩy xóa thì người chịu trách nhiệm kiểm tra hoặc ghi sổ phải trả lại và xác định lại nội dung và chữ số rõ ràng sau đó mới làm căn cứ ghi sổ.

- Doanh nghiệp phải xây dựng quy chế quản trị nội bộ và tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ để phân định rõ được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bộ phận và các cá nhân có liên quan trong việc tạo lập, thực hiện và kiểm soát các giao dịch kinh tế phát sinh tại doanh nghiệp để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

2. Đề xuất hệ thống biểu mẫu chứng từ kế toán

Hệ thống biểu mẫu chứng từ kế toán được đề xuất như sau:

- Các loại chứng từ kế toán tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp đều thuộc loại hướng dẫn. Doanh nghiệp được chủ động xây dựng, thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán nhưng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật kế toán 2015, phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý của đơn vị mình trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Trường hợp, doanh nghiệp không tự xây dựng và thiết kế biểu mẫu chứng từ cho riêng đơn vị mình thì áp dụng hệ thống biểu mẫu và hướng dẫn nội dung ghi chép chứng từ kế toán theo hướng dẫn Phụ lục 3 Dự thảo Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp.

- Các doanh nghiệp có các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh thuộc đối tượng điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác thì áp dụng theo quy định về chứng từ tại các văn bản đó.

Căn cứ pháp lý: Điều 9 Dự thảo Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp 

3. Đề xuất quy định lập và ký chứng từ kế toán

- Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán chỉ lập 1 lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Chứng từ kế toán phải được lập rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, chính xác theo nội dung quy định trên mẫu. Việc lập và ký chứng từ kế toán được thực hiện theo quy định của Luật kế toán 2015.

- Chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền ký. Nghiêm cấm ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký.

- Việc phân cấp ký trên chứng từ kế toán do người đại diện theo pháp luật quy định phù hợp với luật pháp, yêu cầu quản lý, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, an toàn tài sản. Kế toán trưởng (hoặc người được uỷ quyền) không được ký “thừa uỷ quyền” của người đứng đầu doanh nghiệp. Người được uỷ quyền không được uỷ quyền lại cho người khác.

Căn cứ pháp lý: Điều 10 Dự thảo Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp 

Nguyễn Kim Thúy Vi

Chia sẻ bài viết lên facebook 624

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079