Bao thanh toán là gì? 07 trường hợp không được bao thanh toán từ 01/7/2027 (Hình từ internet)
Ngày 28/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 20/2024/TT-NHNN quy định về bao thanh toán và dịch vụ khác liên quan đến bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng thông qua việc mua lại khoản phải thu của bên bán hoặc ứng trước tiền thanh toán thay cho bên mua theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa bên mua và bên bán.
(Khoản 1 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024)
Đơn vị bao thanh toán không được bao thanh toán đối với khoản phải thu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bị pháp luật cấm.
(2) Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn còn lại của khoản phải thu từ 01 năm trở lên kể từ ngày nhận được đề nghị bao thanh toán.
(3) Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.
(4) Phát sinh từ hợp đồng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
(5) Đã được bao thanh toán hoặc đã được sử dụng để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ khác (trừ trường hợp số tiền bao thanh toán không vượt quá giá trị của khoản phải thu sau khi trừ đi phần giá trị đã được bao thanh toán và đã được sử dụng để đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ khác).
(6) Đã quá hạn thanh toán theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
(7) Đang có tranh chấp trong việc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
(Điều 7 Thông tư 20/2024/TT-NHNN)
Theo Điều 11 Thông tư 20/2024/TT-NHNN quy định đơn vị bao thanh toán xem xét, quyết định bao thanh toán khi khách hàng đáp ứng các điều kiện sau đây:
(1) Đối với bao thanh toán bên bán hàng:
(1.1) Trường hợp bên bán hàng là người cư trú có cam kết hoàn trả:
(i) Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
(ii) Có mục đích sử dụng vốn hợp pháp;
(iii) Có khả năng tài chính để trả nợ;
(iv) Có phương án sử dụng vốn khả thi;
(1.2) Trường hợp bên bán hàng là người cư trú không có cam kết hoàn trả và bên mua hàng là người cư trú thì bên mua hàng phải đáp ứng điều kiện tại điểm (1.1);
(1.3) Trường hợp bên bán hàng là người cư trú không có cam kết hoàn trả và bên mua hàng là người không cư trú thì bên mua hàng phải đáp ứng các điều kiện tại điểm (1.1) và một trong các điều kiện sau:
(i) Bên mua hàng là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động ở nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2020 hoặc dưới hình thức đầu tư khác quy định điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2020;
(ii) Một phần hoặc toàn bộ giá trị khoản phải thu được bảo đảm thanh toán bởi bên thứ ba là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc được bảo hiểm bởi bên thứ ba, hoặc được bảo đảm bằng tiền của khách hàng và/hoặc của bên thứ ba tại đơn vị bao thanh toán. Trường hợp khoản phải thu chỉ được bảo đảm hoặc bảo hiểm một phần, số tiền bao thanh toán tối đa bằng tổng giá trị khoản phải thu được bảo đảm, bảo hiểm;
(1.4) Trường hợp bên bán hàng là người không cư trú có cam kết hoàn trả thì bên bán hàng phải đáp ứng điều kiện tại điểm (1.1) và một trong các điều kiện sau:
(i) Bên bán hàng là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động ở nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2020 hoặc dưới hình thức đầu tư khác quy định điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2020;
(ii) Đáp ứng điều kiện tại tiết (ii) điểm (1.3);
(1.5) Trường hợp bên bán hàng là người không cư trú không có cam kết hoàn trả thì bên mua hàng là người cư trú phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm (1.1).
(2) Đối với bao thanh toán bên mua hàng:
- Bên mua hàng là người cư trú đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm (1.1);
- Bên mua hàng là người không cư trú đáp ứng các điều kiện tại điểm (1.3).