Đã có văn bản hợp nhất Nghị định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Ngày 16/10/2024, Bộ Nội vụ ban hành Văn bản hợp nhất 9/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Cụ thể, Văn bản hợp nhất 9/VBHN-BNV đã hợp nhất 02 Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức sau đây:
- Nghị định 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2023.
- Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, có hiệu lực kể từ ngày 17/9/2024.
Được biết, Nghị định 116/2024/NĐ-CP đã bãi bỏ 02 quy định tại Nghị định 06/2023/NĐ-CP, cụ thể:
- Bãi bỏ Điều 12 Nghị định 06/2023/NĐ-CP:
Điều 12. Điều khoản chuyển tiếp
1. Việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
2. Kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.
+ Bãi bỏ khoản 2 Điều 13 Nghị định 06/2023/NĐ-CP:
Điều 13. Hiệu lực thi hành
...
2. Bãi bỏ quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
(1) Nguyên tắc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền.
Nguyên tắc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức như sau:
- Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
- Bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
- Kết quả kiểm định được sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
- Không hạn chế số lần được đăng ký dự kiểm định đối với mỗi thí sinh.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
(Điều 2 Nghị định 06/2023/NĐ-CP)
(2) Điều kiện đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Cụ thể, điều kiện đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức.
Những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức không được đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
(Điều 3 Nghị định 06/2023/NĐ-CP)
(3) Hình thức, nội dung và thời gian kiểm định chất lượng đầu vào công chức
- Hình thức kiểm định: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính.
- Nội dung kiểm định: Đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử.
- Thời gian, số lượng câu hỏi kiểm định:
+ Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên: 120 phút, số lượng câu hỏi 100 câu.
+ Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng: 100 phút, số lượng câu hỏi 80 câu.
(Điều 5 Nghị định 06/2023/NĐ-CP)