Thời gian đăng ký đào tạo kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ với công chức ngành tòa án (Hình từ internet)
Ngày 17/10/2024, TANDTC có Công văn 994/TANDTC-TCCB về việc đăng ký tham gia lớp đào tạo kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ.
Thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao về việc nâng cao kiến thức và năng lực xét xử các vụ án sở hữu trí tuệ đối với công chức có chức danh Tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới; Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức Tòa án nhân dân năm 2024, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội triển khai các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực xét xử các vụ án sở hữu trí tuệ (lớp cơ bản - SHTT01-CB). Theo kế hoạch, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục triển khai các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực xét xử các vụ án sở hữu trí tuệ (lớp chuyên sâu - SHTT01-CSTA), cụ thể như sau:
(1) Đối tượng: Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký viên.
(2) Chỉ tiêu: Mỗi lớp dự kiến 30 học viên.
(3) Thời gian, địa điểm:
(4) Kinh phí:
- Trường Đại học luật Hà Nội: Chịu trách nhiệm chi trả về kinh phí tổ chức lớp từ ngân sách Nhà nước.
- Học viên: Tự thanh toán chi phí đi lại, ăn nghỉ và các chi phí khác (nếu có) bằng nguồn kinh phí đã được Tòa án nhân dân tối cao giao về các Tòa án địa phương hoặc bằng nguồn kinh phí khác của đơn vị (nếu có) theo chế độ quy định.
Các công chức Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký viên nếu có nguyện vọng tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực xét xử các vụ án sở hữu trí tuệ thì chủ động báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để đề nghị được cử tham gia lớp học.
Đề nghị Chánh án Tòa án quân sự Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh căn cứ chỉ tiêu, thời gian, địa điểm các lớp tại Phụ lục 01 kèm theo công văn này và căn cứ yêu cầu công tác hoặc nguyện vọng của công chức thuộc thẩm quyền quản lý để đăng ký nhu cầu. Mỗi đơn vị cử tối thiểu 04 công chức tham dự; đối với Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, mỗi đơn vị cử tối thiểu 08 công chức tham dự; lập danh sách công chức được cử đi họp theo mẫu (Phụ lục 02 gửi kèm theo Thông báo)
Công văn đăng ký tham gia lớp gửi về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Tổ chức - Cán bộ) trước ngày 31/10/2024 để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định.
Công chức được đơn vị cử tham gia lớp học quét mã QR Code để điền đầy đủ thông tin vào Phiếu đăng ký đào tạo kiến thức chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ dành cho học viên (Phụ lục 03 kèm theo Thông báo).
Căn cứ Điều 3 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức như sau:
- Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện phân công, phân cấp trong tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; kết hợp phân công và cạnh tranh trong tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.
- Đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.