Yêu cầu: hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công sửa đổi để bảo đảm thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (Hình từ Internet)
Ngày 22/11/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 531/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ đối với một số nội dung liên quan đến quy định pháp luật về đầu tư công.
Theo đó, Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Thông báo 531/TB-VPCP năm 2024 như sau:
(1) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, bám sát các nội dung Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công sửa đổi để bảo đảm thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV; trường hợp có nội dung phát sinh, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trong đó lưu ý:
- Về danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn: không phải trình xin ý kiến Quốc hội mà phân cấp Chính phủ giao danh mục và chủ động điều hành trong quá trình thực hiện. Giao Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể.
- Về dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn: phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
(2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu quy định: Quốc hội, Chính phủ chỉ quy định mục tiêu, phân bổ tổng mức vốn, cơ cấu vốn trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra để phân cấp cho địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm (Việc này hoàn toàn làm được, không nên hợp thức hóa cho cấp dưới)
(3) Giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo Luật đầu tư công 2019 sửa đổi.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư công được quy định cụ thể tại Điều 13 Luật Đầu tư công 2019 bao gồm:
- Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, giải pháp, chính sách đầu tư công.
- Theo dõi, cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
- Đánh giá hiệu quả đầu tư công; kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, việc tuân thủ kế hoạch đầu tư công.
- Xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
- Khen thưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích trong hoạt động đầu tư công.
- Hợp tác quốc tế về đầu tư công.
Ngoài ra, nguyên tắc quản lý đầu tư công được quy định cụ thể tại Điều 12 Luật Đầu tư công 2019 bao gồm:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
- Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
- Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
- Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí.
- Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.
Xem thêm Thông báo 531/TB-VPCP ban hành ngày 22/11/2024.