Tiền điện bất thường do... khách quan !?

08/07/2014 08:13 AM

Tại cuộc họp báo chiều 7.7 do Bộ Công thương tổ chức, lý do khiến hóa đơn tiền điện của hàng loạt hộ dân ở Hà Nội và một số nơi khác tăng cao được ngành điện giải thích là “do các yếu tố khách quan”.

Hóa đơn tiền điện tháng 4 và tháng 6 của một khách hàng ở Hoàng Mai, Hà Nội chênh nhau đến hơn 2 lần - Ảnh: Mạnh Quân

Theo lời ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Hà Nội, hầu hết các trường hợp khách hàng kêu hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 6 là “không có sai sót về chỉ số công tơ cũng như cách tính tiền điện”.

“Tăng khá cao do con em nghỉ hè”

Theo ông này, nhiều đợt nắng nóng kéo dài từ tháng 5.2014 đến đầu tháng 6.2014 khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. “Có những khu vực ở Hà Nội, sản lượng điện sinh hoạt tiêu dùng của tháng 6 tăng 40-60% so với tháng trước như khu vực quận Hoàng Mai tăng 57%, khu vực Đống Đa tăng 55%”, ông Trung nói.

“Trong tháng 6.2014, chúng tôi kiểm tra thấy tổng số khách hàng sinh hoạt của Hà Nội có sản lượng tiêu thụ điện tăng gấp 1,5 lần so với tháng 5 là 686.336 khách hàng, chiếm 34% tổng số khách hàng sinh hoạt. Số khách hàng có lượng điện tiêu thụ gấp 2 lần tháng trước là 347.961 khách hàng, chiếm 17%”, ông Trung nói và cho rằng một trong những nguyên nhân nhiều gia đình có hóa đơn tiền điện tăng khá cao do con em nghỉ hè nên sử dụng nhiều điều hòa và các thiết bị làm lạnh.

Trả lời về nghi vấn giá điện đã “âm thầm” tăng, theo biểu giá điện do Bộ Công thương cho phép Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) áp dụng từ 1.6.2014, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng tuy áp dụng biểu giá mới nhưng không hề tăng giá điện mà biểu giá này đã giảm bớt 1 bậc (trước đây biểu giá điện có 7 bậc thang khác nhau) và nếu so sánh với biểu giá điện cũ thì riêng với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, giá điện còn giảm chứ không phải tăng. “Nhưng dù thế nào, chủ trương hiện nay là vẫn phải điều chỉnh giá sát với giá thị trường như với mặt hàng xăng dầu”, ông Hải nói.

Ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cũng cho rằng theo biểu giá mới thì hầu hết là giảm, với mức giảm khoảng 8% với điện sinh hoạt và ngành điện lại phải bù lỗ.

200/300 công tơ bị ghi sai số

Tuy nhiên, cả ông Đỗ Thắng Hải và ông Đinh Thế Phúc đã không trả lời được rõ ràng về vấn đề làm thế nào để có một cơ chế giám sát việc thu tiền điện, điều chỉnh giá điện một cách độc lập, ngoài hệ thống của EVN. Bởi trên thực tế, ngay trong tháng 6 vừa qua, đã có những ví dụ cho thấy việc phát hiện ra những sai trái trong thu tiền điện lại không bắt đầu từ một cơ quan nào của Bộ Công thương hay của EVN. Ví dụ cụ thể nhất là việc tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), có tới 200/300 công tơ của dân bị một số công nhân ghi sai số mà không hề kiểm tra công tơ, chỉ ghi theo… ước lượng của tháng trước đó. Về việc này, ông Nguyễn Quang Trung thừa nhận vụ việc và cho biết đã sa thải 2 công nhân đi thu tiền điện, ghi số sai nói trên và hủy toàn bộ hóa đơn không chính xác.

Cũng trong tháng 6, Điện lực Nghệ An phải trả lại dân tiền điện tính sai do các cán bộ, nhân viên của họ đã không chốt số điện tại công tơ mà chỉ ước lượng số điện theo từng công tơ của các hộ gia đình.

Vừa đá bóng vừa thổi còi

Chính vì nghi ngờ về việc nhân viên ngành điện ghi hóa đơn, xem công tơ không chính xác nên đã có nhiều ý kiến đề nghị phải cho các hộ dân được xem công tơ ở vị trí thuận lợi chứ không phải treo cao trên cột như phổ biến hiện nay. Trả lời về đề nghị này, tại cuộc họp báo, đại diện Tổng công ty điện lực Hà Nội nói rằng người dân có thể xem, kiểm tra, đối chiếu hóa đơn. Nhưng ông Đinh Thế Phúc đề nghị EVN xây dựng cơ chế để người dân có thể trực tiếp giám sát việc ghi chỉ số công tơ. “Chúng tôi yêu cầu công khai vào một ngày trong tháng, ghi chỉ số công tơ là bao nhiêu. Có thể chênh lệch vài số do chênh lệch thời điểm ghi nhưng sẽ đảm bảo chính xác hơn. Còn về hóa đơn tiền điện trong tháng qua của nhiều hộ dùng điện tăng cao, chúng tôi đã yêu cầu EVN và Tổng công ty điện lực Hà Nội trả lời”, ông Phúc nói.

Trao đổi riêng với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Giá điện nên thuộc một đơn vị, tổ chức định giá có đủ trình độ, năng lực và uy tín thực hiện. Khi người tiêu dùng có thắc mắc, khiếu kiện, tổ chức này sẽ độc lập kiểm tra và tính toán lại thay vì để ngành điện vừa đá bóng vừa thổi còi như hiện nay”.

Mạnh Quân

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,129

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079