Đã có Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024.
Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 gồm 05 phần, 10 chương, 179 điều.
Luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Tại Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 sẽ quy định một số nội dung lớn như:
- Quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng cùng với các điều kiện được áp dụng, thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội (Điều 36)
- Quy định thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên không quá 1/2 thời hạn đối với người trưởng thành, trừ trường hợp vụ án có tính chất phức tạp (khoản 2 Điều 120)
- Giảm mức phạt tù tối đa đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi còn 09 năm, đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi còn 15 năm nhằm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về "Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự... đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội" và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới (khoản 5 Điều 179)
- Quy định trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân trong trại giam (Điều 162)...
Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026, trừ các quy định tại Điều 139, khoản 1 và khoản 2 Điều 162 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2028.
Về quy định chuyển tiếp:
(1) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026:
- Đối với vụ việc, vụ án đang trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm mà đến ngày 01 tháng 01 năm 2026 chưa kết thúc thì áp dụng các quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 để giải quyết vụ việc, vụ án, trừ thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố hoặc thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam, việc tách vụ án được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trường hợp giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử mà chưa có sự tham gia tố tụng của người làm công tác xã hội thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án yêu cầu người làm công tác xã hội tham gia tố tụng theo quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024.
Trường hợp thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố hoặc thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm còn lại không đủ thời gian để áp dụng đầy đủ thủ tục xử lý chuyển hướng nhưng có các căn cứ để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại các điều 35, 37 và 39 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 thì cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên;
- Đối với vụ án đang trong giai đoạn xét xử phúc thẩm mà đến ngày 01 tháng 01 năm 2026 chưa kết thúc thì Toà án cấp phúc thẩm phải căn cứ vào các quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 để tiếp tục giải quyết vụ án, trừ thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, thời hạn tạm giam được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp xét thấy người chưa thành niên có căn cứ để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại các điều 35, 37 và 39 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 thì Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm và quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong bản án phúc thẩm;
- Đối với vụ án do Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đang thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng đến ngày 01 tháng 01 năm 2026 chưa kết thúc thì thẩm quyền giải quyết tiếp tục được áp dụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự cho đến khi kết thúc điều tra;
- Đối với những bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng đến ngày 01 tháng 01 năm 2026 không bị tạm giam theo quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 thì Viện kiểm sát, Tòa án quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác theo quy định củaLuật Tư pháp người chưa thành niên 2024 và Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà đến ngày 01 tháng 01 năm 2026 chưa được thi hành hoặc chưa thi hành xong thì áp dụng các quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 và pháp luật có liên quan để thi hành.
(2) Các điều khoản của Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 quy định về hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, tù có thời hạn, quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, án treo, hoãn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội quy định tại chương VI của Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 được áp dụng kể từ ngày Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 được công bố.