08 chính sách của Nhà nước về giá điện và giá dịch vụ về điện theo Luật Điện lực 2024 (Hình từ Internet)
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực.2024.
Theo quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật Điện lực.2024 thì các chính sách của Nhà nước về giá điện và giá dịch vụ về điện bao gồm:
- Bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh;
- Giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm;
- Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;
- Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh;
- Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định;
- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện. Giá điện bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực;
- Xây dựng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng đặc thù theo các chủ trương của Nhà nước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Thẩm quyền xây dựng, trình, phê duyệt, quyết định giá điện được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 50 Luật Điện lực.2024 như sau:
- Chính phủ quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân;
- Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân;
- Bộ Công Thương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 50 Luật Điện lực.2024; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; lộ trình giảm bù chéo giá điện quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật Điện lực.2024; lộ trình cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, bao gồm giá bán lẻ điện có nhiều thành phần mà trong đó có tối thiểu 02 thành phần như giá công suất, giá điện năng, giá cố định, giá biến đổi hoặc thành phần giá khác (nếu có) được áp dụng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép; cơ chế giá điện phù hợp cho các nhóm khách hàng sử dụng điện quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật Điện lực.2024;
- Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá bán buôn điện; phương pháp lập và trình tự, thủ tục phê duyệt khung giá bán buôn điện.
Xem thêm Luật Điện lực.2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025.
Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012) hết hiệu lực từ ngày Luật Điện lực.2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 81 Luật Điện lực.2024.