Hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh điện lực từ 01/02/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực.2024.
Theo quy định tại Điều 18 Luật Điện lực.2024 thì việc lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh điện lực được thực hiện như sau:
- Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh điện lực sau đây không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư:
+ Dự án đầu tư thuộc độc quyền của Nhà nước quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Điện lực.2024, cụ thể:
“2. Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia:
a) Điều độ hệ thống điện quốc gia;
b) Đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định;”
+ Dự án thủy điện mở rộng và dự án cải tạo hoặc nâng cấp lưới điện được chấp thuận cho nhà đầu tư sở hữu dự án hiện hữu;
+ Dự án điện lực được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề xuất đầu tư của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đối với dự án điện lực không thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội và nằm trong quy hoạch phát triển điện lực; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh mục đối với dự án điện lực trong quy hoạch tỉnh;
+ Dự án khẩn cấp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Điện lực.2024, như sau:
“2. Thẩm quyền quyết định dự án, công trình điện lực khẩn cấp được quy định như sau:
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt danh mục dự án, công trình nguồn điện, lưới điện khẩn cấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này trên cơ sở đánh giá, đề xuất của Bộ Công Thương hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo phân cấp quản lý quy hoạch được áp dụng các cơ chế đặc thù theo quy định tại Điều này, trừ dự án, công trình nguồn điện, lưới điện khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công, dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư;
b) Thủ tướng Chính phủ quyết định giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ làm chủ đầu tư dự án, công trình nguồn điện, lưới điện khẩn cấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này;
c) Thẩm quyền quyết định việc xây dựng dự án, công trình điện lực khẩn cấp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Luật này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
+ Dự án điện gió ngoài khơi thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Điện lực.2024, cụ thể:
“2. Trừ trường hợp dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh điện gió ngoài khơi sau đây:
a) Dự án không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì lý do quốc phòng, an ninh theo ý kiến của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an;
b) Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 của Luật này.”
+ Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai.
- Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Điện lực.2024, các trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Điện lực.2024, các trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh điện lực quy định tại Điều 19 Luật Điện lực.2024.
Xem thêm Luật Điện lực.2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025.
Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012) hết hiệu lực từ ngày Luật Điện lực.2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 81 Luật Điện lực.2024.