Dự kiến có thể sáp nhập xã thuộc huyện này với xã thuộc huyện khác

08/04/2025 13:46 PM

Theo dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến có thể sáp nhập xã thuộc huyện này với xã thuộc huyện khác.

Dự kiến có thể sáp nhập xã thuộc huyện này với xã thuộc huyện khác

Tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã đề xuất nguyên tắc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) như sau:

Trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã làm thay đổi địa giới ĐVHC cấp huyện thì không phải xem xét điều kiện, tiêu chuẩn và không phải thực hiện quy trình, thủ tục điều chỉnh địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện mà ĐVHC cấp xã đó trực thuộc.

Với nội dung đề xuất trên thì trong thời gian tới khi tiến hành thực hiện sáp nhập các đơn vị cấp xã trên cả nước, sẽ có thể sáp nhập các xã mà không cần phụ thuộc vào phạm vi địa giới ĐVHC cấp huyện hiện nay, tức xã thuộc huyện này có thể sáp nhập với xã thuộc huyện khác trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Điều 4 dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất 02 trường hợp không bắt buộc phải sáp nhập xã, cụ thể:

- Đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề.

- Đơn vị hành chính có vị trí đặc biệt quan trọng nếu thực hiện sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Dự kiến có thể sáp nhập xã thuộc huyện này với xã thuộc huyện khác

Dự kiến có thể sáp nhập xã thuộc huyện này với xã thuộc huyện khác (Hình từ internet)

Đề xuất tiêu chuẩn và số lượng đơn vị hành chính xã và phường của mỗi tỉnh thành sau sắp xếp

Theo Điều 6 dự thảo Nghị quyết, đã đề xuất quy định về tiêu chuẩn và số lượng của đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp như sau:

(1) Xã mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 300% trở lên tiêu chuẩn của xã quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Riêng đối với tiêu chuẩn quy mô dân số của xã miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia trên đất liền mà có từ 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu là 7.500 người.

(2) Phường mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên từ 35km trở lên; quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; riêng phường ở miền núi, vùng cao có quy mô dân số từ 35.000 người trở lên.

(3) Trường hợp sắp xếp từ 04 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 01 xã, phường mới thì không phải đánh giá tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại (1) và (2).

(4) Trường hợp việc sắp xếp ĐVHC đã phù hợp với định hướng của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các quy định của dự thảo Nghị quyết này thì không xem xét điều kiện và không đánh giá tiêu chuẩn khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

(5) Tổng số lượng đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp giảm tối thiểu 70% và giảm tối đa 75% so với tổng số lượng đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trường hợp đặc biệt không thể đáp ứng quy định tại (1), (2) và (3) thì Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Dự kiến có 34 tỉnh thành và 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường sau sắp xếp

Theo nội dung tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một số ý kiến về tổ chức lại không gian phát triển kinh tế - xã hội như sau:

Bộ Chính trị đang xây dựng nội dung để trình Trung ương "Đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã"; "Đề án sắp xếp lại các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng được Đảng- Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam"; "Chủ trương sửa đổi Hiến pháp 2013"... và sau đó là xin ý kiến nhân dân.

Theo Tổng Bí thư, dự kiến cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính 3 cấp gồm: cấp trung ương, cấp tỉnh, thành phố và cấp xã, phường.

Theo dự kiến, tính toán ban đầu sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện; và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Cơ cấu tổ chức này hướng đến mục tiêu chính quyền, cán bộ gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Chia sẻ bài viết lên facebook 79

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079