Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường và tăng cường phòng chống gian lận thương mại

14/04/2025 17:50 PM

Dưới đây là bài viết về việc thúc đẩy đa dạng hóa thị trường và tăng cường phòng chống gian lận thương mại.

Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường và tăng cường phòng chống gian lận thương mại (Hình từ Internet)

Ngày 10/04/2025 Chính phủ ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường và tăng cường phòng chống gian lận thương mại

Theo đó, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ và giải pháp về việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu và chuỗi cung ứng; khai thác tối đa thị trường trong nước, thúc đẩy du lịch; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xuất xứ hàng hóa như sau:

- Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao: 

+ Đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối và tiêu dùng, khuyến khích các sản thương mại điện tử triển khai chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm địa phương: tiếp tục tổ chức các chương trình khuyến mại toàn quốc, đưa hàng hóa đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp... 

+ Chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm giảm thiểu tác động từ đầu tư bên ngoài có dấu hiệu không lành mạnh, lần tránh thuế quan có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta; tăng cường hiệu quả quản lý thị trường, đầu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả. 

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: 

+ Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khẩn trương kết thúc đàm phán và khởi động đàm phán, ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Á, Đông Âu, Ấn Độ, Brazil... Tích cực trao đổi với các cơ quan của Hoa Kỳ để thúc đẩy đàm phán thỏa thuận thương mại song phương, đảm bảo hài hòa, hợp lý, có lợi cho cả hai bên. 

+ Mở rộng hệ thống Cơ quan thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu; chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, thích ứng với các rào cản kỹ thuật mới của các đối tác xuất khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững; báo cáo Chính phủ trong quý II năm 2025. 

+ Đề xuất các giải pháp cụ thể phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2025.

+ Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, nhất là xi măng, sắt thép... (nhất là việc nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất đối với clinker), báo cáo Chính phủ trước ngày 15/4/2025. 

+ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, kích cầu, thu hút khách du lịch hè năm 2025; phối hợp với Bộ Xây dựng 

để có phương án quản lý giá vé máy bay phù hợp, thúc đẩy du lịch trong nước, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5.

Trước đó, tại Nghị quyết 46/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2025 Chính phủ cũng đã thảo luận vấn đề đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, kiểm soát hiệu quả nhập khẩu; chú trọng phát triển thị trường trong nước; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như sau:

- Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đẩy mạnh triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng trong nước, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, hàng giả.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

- Triển khai đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Khai thác hiệu quả 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, nhanh chóng kết thúc đàm phán FTA với các nước Trung Đông, Thụy Sỹ, Na Uy, Phần Lan... trước tháng 6/2025 để tăng cường khai thác các thị trường mới, tiềm năng.

+ Chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp ứng phó kịp thời với các vụ kiện phòng vệ thương mại, thích ứng với các rào cản kỹ thuật mới của nước đối tác xuất khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững trong thời gian tới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2025.

+ Đổi mới, tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong việc triển khai Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tập trung nghiên cứu, thực hiện hình thành mô hình “Cảng miễn thuế” để đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số.

Nguyễn Thị Mỹ Quyền

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 19

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079