Sắp sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 (Hình từ internet)
Chính phủ ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 16/04/2025 dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi. Trong đó có quy định về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản pháp luật 2025 như sau:
- Chính phủ cơ bản thống nhất dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình 48/TTr-BTP ngày 10/4/2025. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định, bảo đảm một số yêu cầu sau:
+ Thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và yêu cầu về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; bám sát quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025.
+ Quán triệt tinh thần đổi mới, thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật gắn với tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
- Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025, trình Quốc hội trong ngày 16/4/2025.
- Phân công Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025.
Căn cứ Điều 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật quy định như sau:
- Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 hoặc luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định khác.
- Văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ bằng văn bản của chính cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó hoặc bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025.
- Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.
Trường hợp bãi bỏ pháp lệnh thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Văn bản bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 phải được đăng tải trên công báo điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
- Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Thay đổi cơ bản chính sách, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng;
+ Sửa đổi, bổ sung về nội dung quá một phần hai tổng số điều.
- Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đồng thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành khác với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Trường hợp có quy định khác nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
- Văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung của nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan, người có thẩm quyền ban hành.
Nguyễn Tùng Lâm