Đã có dự thảo Nghị định về mức hỗ trợ người làm công tác chuyên trách chuyển đổi số (Hình từ Internet)
Ngày 22/4/2025, Bộ Tư pháp đã công bố dự thảo Nghị định quy định mức hỗ trợ người làm công tác chuyên trách chuyển đổi số, an toàn thông tin, an ninh mạng, để tiến hành lấy ý kiến.
![]() |
dự thảo Nghị định |
Theo đó, tại dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể về mức hỗ trợ người làm công tác chuyên trách chuyển đổi số, an toàn thông tin, an ninh mạng như sau:
- Mức hỗ trợ 5.500.000 đồng/tháng áp dụng đối với người làm công tác chuyên trách về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
- Mức hỗ trợ 3.500.000 đồng/tháng áp dụng đối với người làm công tác chuyên trách về quản lý công nghệ thông tin, giao dịch điện tử.
- Mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị định được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Lưu ý:: Kinh phí thực hiện mức hỗ trợ quy định tại dự thảo Nghị định được thực hiện theo quy định tại Điều 5 dự thảo Nghị định như sau:
- Đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang: Do ngân sách nhà nước cấp.
- Đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập
+ Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên: Kinh phí chi trả mức hỗ trợ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn thu hợp pháp khác.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập không đủ nguồn kinh phí để chi trả mức hỗ trợ thì được sử dụng các quỹ được trích theo quy định của đơn vị sự nghiệp công lập để giải quyết.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên do Nhà nước đặt hàng thông qua giá dịch vụ nhưng giá dịch vụ chưa tính đủ các yếu tố cấu thành để chi trả mức hỗ trợ thì ngân sách nhà nước cấp bổ sung nguồn kinh phí.
+ Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo một phần chi thường xuyên: Kinh phí chi trả mức hỗ trợ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị, nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu hợp pháp khác. Ngân sách nhà nước sẽ bố trí kinh phí trên số lượng người làm công tác chuyên trách chuyển đổi số hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao.
+ Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên: Do ngân sách nhà nước cấp.
Theo đó, để đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh thì Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024, bao gồm:
- Có kế hoạch và lộ trình đưa toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị lên môi trường số, bảo đảm liên thông, đồng bộ, bí mật nhà nước. Xây dựng nền tảng số dùng chung quốc gia, phát triển hệ thống giám sát, điều hành thông minh nhằm tăng cường quản lý công. Đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hoá và dựa trên dữ liệu; tăng cường giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong phục vụ Nhân dân. Có chính sách đặc thù để thu hút, tuyển dụng, giữ chân nhân lực về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị.
- Phát triển các nền tảng số an toàn và tăng cường ứng dụng công nghệ số, hình thành công dân số. Phát triển một số mạng xã hội Việt Nam, xây dựng xã hội số an toàn, lành mạnh. Phát triển văn hoá số bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghệ số đối với xã hội. Xây dựng nền tảng số nhằm giám sát, thu thập dữ liệu lĩnh vực tài nguyên, môi trường.
- Bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên nền tảng số và không gian mạng; an ninh, an toàn dữ liệu hợp pháp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và chủ quyền an ninh dữ liệu quốc gia. Hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, an ninh. Từng bước ứng dụng công nghệ số trong chỉ huy, điều hành tác chiến của lực lượng vũ trang cũng như làm chủ công nghệ cao trong hoạt động quốc phòng, an ninh. Ngăn chặn hiệu quả tội phạm lĩnh vực chuyển đổi số, chống lừa đảo trực tuyến. Xây dựng, phát huy sức mạnh thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân trên không gian mạng để bảo vệ Tổ quốc.