Đã có Quyết định 11/2025/QĐ-TTg Ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải
Thủ tướng đã ký Quyết định 11/2025/QĐ-TTg Ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải có hiệu lực từ ngày 10/6/2025. Tại Quy chế ban hành kèm Quyết định 11/2025/QĐ-TTg, Thủ tướng quy định các vấn đề sau:
- Quy định về việc ứng phó sự cố chất thải xảy ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bao gồm: Chuẩn bị ứng phó sự cố; tổ chức ứng phó sự cố; cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố; cơ chế hỗ trợ ứng phó, phục hồi môi trường, sự tham gia của cộng đồng dân cư và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Không điều chỉnh sự cố chất thải xảy ra trên biển. Việc ứng phó sự cố chất thải xảy ra trên biển được thực hiện theo quy định pháp luật về ứng phó sự cố hóa chất độc, ứng phó sự cố tràn dầu và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Quyết định 11/2025/QĐ-TTg áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư và cá nhân có liên quan đến hoạt động ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố.
Sự cố chất thải, phân cấp sự cố chất thải và nguyên tắc ứng phó sự cố chất thải
Theo Điều 3 của Quy chế ban hành kèm Quyết định 11/2025/QĐ-TTg, quy định về sự cố chất thải, phân cấp sự cố chất thải và nguyên tắc ứng phó sự cố chất thải có nội dung như sau:
(1) Sự cố chất thải là sự cố môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải trong quá trình phát sinh, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, xử lý, đồng xử lý, tái chế, thu hồi năng lượng, tiêu hủy chất thải.
(2) Sự cố chất thải được phân cấp tương ứng với việc phân cấp sự cố môi trường quy định tại Điều 123 Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm:
- Sự cố chất thải cấp cơ sở;
- Sự cố chất thải cấp huyện;
- Sự cố chất thải cấp tỉnh;
- Sự cố chất thải cấp quốc gia.
(3) Nguyên tắc ứng phó sự cố chất thải:
- Chủ động phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải;
- Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin sự cố chất thải kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó;
- Ứng phó sự cố chất thải được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và ba sẵn sàng (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả). Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố chất thải;
- Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố chất thải;
- Bảo đảm các biện pháp an toàn cho lực lượng ứng phó sự cố chất thải và người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng từ sự cố chất thải;
- Tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải phải chịu trách nhiệm chi trả chỉ phí ứng phó sự cố chất thải, cải tạo, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố chất thải gây ra, trừ trường hợp Nhà nước chi trả theo quy định của pháp luật.
Xem thêm tại Quyết định 11/2025/QĐ-TTg có hiệu lực từ 10/6/2025.
Lê Quang Nhật Minh