Sẽ có Nghị định về chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách cấp xã nghỉ việc do sắp xếp bộ máy (Hình từ Internet)
Phát biểu kết luận Hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ công tác tháng 5/2025, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị đã có nhiều nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết tâm với tinh thần làm việc khẩn trương, thần tốc để triển khai hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ các nhiệm vụ cấp, đặc biệt là các nhiệm vụ chính trị quan trọng được cấp có thẩm quyền giao.
Để thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 5 năm 2025, Bộ trưởng đề nghị, người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và toàn thể công chức, viên chức, người lao động chủ động, nỗ lực, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ cấp có thẩm quyền giao bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ.
Trong đó, nội dung về sửa đổi, bổ sung các quy định về phụ cấp, tiền lương như sau:
- Tổng hợp những vấn đề liên quan đến tài sản, kinh phí để giải quyết chế độ, chính sách cho những người nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy (trong đó có việc hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách cấp xã nghỉ việc).
- Chủ động rà soát các chính sách liên quan đến phụ cấp, tiền lương để kịp thời nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền phương án sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành (01 Nghị định, 01 Thông tư) liên quan bảo đảm đồng bộ, phù hợp khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Tham mưu cho Đảng uỷ Bộ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (hoàn thành trước 30/6/2025).
Chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP như sau:
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp. Ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:
+ Đơn vị hành chính cấp xã loại I được khoán quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở;
+ Đơn vị hành chính cấp xã loại II được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở;
+ Đơn vị hành chính cấp xã loại III được khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở.
Đối với đơn vị hành chính cấp xã có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì tổng mức khoán quỹ phụ cấp được tính tăng thêm tương ứng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/01 người hoạt động không chuyên trách tăng thêm.
- Thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Ngân sách Trung ương khoán quỹ phụ cấp để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố như sau:
+ Đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới, hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở. Trường hợp thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã thì được giữ mức khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở;
+ Đối với các thôn, tổ dân phố không thuộc quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP được khoán quỹ phụ cấp bằng 4,5 lần mức lương cơ sở;
+ Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã thì thôn, tổ dân phố quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP được xác định theo đơn vị hành chính cấp huyện đó.
- Căn cứ vào quỹ phụ cấp được ngân sách Trung ương khoán cho mỗi cấp xã, mỗi thôn, tổ dân phố quy định tại các khoản 1, 2 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP; nguồn kinh phí ngân sách chi cho cải cách chính sách tiền lương của địa phương; các quy định của pháp luật có liên quan và đặc thù của từng cấp xã, từng thôn, tổ dân phố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể những nội dung sau:
+ Chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
+ Việc kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố;
+ Mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố bảo đảm tương quan hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo nhằm khuyến khích người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
- Trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách khác ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể các nội dung tại điểm c khoản 3 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP không phải xin ý kiến các Bộ, cơ quan trung ương.