Cơ cấu tổ chức quản lý của Ngân hàng Phát triển Việt Nam từ 29/04/2025 (Hình từ internet)
Ngày 29/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2025/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Theo Điều 12 Nghị định 95/2025/NĐ-CP thì cơ cấu tổ chức quản lý của Ngân hàng Phát triển bao gồm:
(1) Hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị bao gồm: chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, số thành viên của Hội đồng quản trị tối đa là 05 người, làm việc theo chế độ chuyên trách. Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển là thành viên Hội đồng quản trị;
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm; các thành viên Hội đồng quản trị còn lại do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm;
(2) Ban kiểm soát.
Ban kiểm soát thực hiện giám sát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật; quy định nội bộ, nghị quyết, quyết định và các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Ngân hàng Phát triển và của Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển.
Ban kiểm soát có 03 thành viên do Bộ Tài chính bổ nhiệm, làm việc theo chế độ chuyên trách, trong đó có 01 thành viên làm Trưởng ban kiểm soát.
(3) Tổng giám đốc.
Tổng giám đốc là người điều hành hoạt động hằng ngày của Ngân hàng Phát triển, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
Nhiệm kỳ của Tổng giám đốc là 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại.
Ngân hàng Phát triển có quyền hạn như sau:
- Được mở tài khoản thanh toán và thực hiện nghiệp vụ gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; được mở tài khoản cho khách hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
- Được vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Được góp vốn thành lập doanh nghiệp trên cơ sở phê duyệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
- Được yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu liên quan đến việc vay vốn, tình hình sử dụng vốn, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho Ngân hàng Phát triển để thẩm định dự án, phương án tài chính, phương án kinh doanh, phương án trả nợ, năng lực của khách hàng.
- Được cho thuê, thế chấp, cầm cố các tài sản thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của Ngân hàng Phát triển theo quy định của pháp luật.
- Được đề nghị cơ quan thuế, cơ quan hải quan, các tổ chức tín dụng và các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý, thu thập thông tin, cung cấp những thông tin theo quy định của pháp luật liên quan đến khách hàng có quan hệ với Ngân hàng Phát triển trong các hoạt động ngân hàng.
- Được kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng. Được quyền chấm dứt thực hiện các cam kết với khách hàng, thu hồi nợ trước thời hạn, đồng thời yêu cầu khách hàng bồi thường các thiệt hại phát sinh (nếu có) trường hợp phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật.
- Được khởi kiện khách hàng hoặc bên đảm bảo vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật.
- Khi đến hạn trả nợ, nếu các bên không có thỏa thuận khác mà khách hàng không trả được nợ thì Ngân hàng Phát triển được quyền xử lý tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.
- Được xử lý rủi ro trong quá trình hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
(Điều 9 Nghị định 95/2025/NĐ-CP)