Hướng dẫn phòng, chống lãng phí trong khai thác, sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên (Hình từ Internet)
Ngày 28/4/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ban hành Hướng dẫn 63-HD/BCĐTW về một số nội dung trọng tâm công tác phòng chống lãng phí.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương) hướng dẫn một số nội dung trọng tâm về công tác phòng, chống lãng phí theo Quy định 191-QĐ/TW năm 2024.
Trong đó, các hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai và các tài nguyên khác cần tập trung chỉ đạo phòng, chống bao gồm:
- Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên không đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; quy hoạch chồng lấn các loại đất.
- Gây ô nhiễm, hủy hoại tài nguyên, năng lượng quốc gia, gây lãng phí.
- Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng đối tượng, định mức, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả; chậm đưa vào sử dụng theo quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất; không thực hiện đúng thời hạn trả lại đất theo quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không sử dụng hết diện tích được giao.
- Giao đất khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Không thực hiện đấu giá, đấu thầu theo quy định đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất phải đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, gây lãng phí. Chậm thực hiện các thủ tục theo quy định để xác định giá đất, dẫn đến chậm hoặc không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.
- Giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án chậm so với tiến độ đã được phê duyệt do nguyên nhân chủ quan; thực hiện dự án, khởi công công trình trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư không đúng quy định, gây lãng phí.
- Quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, gây lãng phí.
- Cấp phép, thăm dò, khai thác tài nguyên không đúng quy định, thẩm quyền, đối tượng; khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước vượt quá khả năng tái tạo, gây cạn kiệt và suy thoái môi trường; cố ý sử dụng công nghệ lạc hậu trong khai thác tài nguyên, gây lãng phí.
- Cấp giấy phép xây dựng cho công trình xây dựng không tuân thủ định mức về sử dụng năng lượng, quy chuẩn kỹ thuật, gây lãng phí.
- Quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu số trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây lãng phí.
Theo Điều 4 Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 quy định nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như sau:
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát.
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, chế độ và quy định khác của pháp luật.
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn với cải cách hành chính và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.
- Thực hiện phân cấp quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; bảo đảm vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nguyễn Thị Mỹ Quyền