Đề xuất sửa đổi đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

17/05/2025 09:10 AM

Đã có dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó dự thảo đã đề xuất sửa đổi đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đề xuất sửa đổi đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (Hình ảnh từ Internet)

Đề xuất sửa đổi đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (Hình ảnh từ Internet)

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Đề xuất sửa đổi đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Căn cứ tại khoản 1 Điều 2 dự thảo luật đề xuất các hàng hóa chịu thuế bao gồm:

- Thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

- Rượu theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Bia theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Xe có động cơ dưới 24 chỗ, bao gồm: xe ô tô chở người; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe ô tô pick-up chở người; xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép; xe ô tô tải VAN có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng.

- Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3.

- Máy bay, trực thăng, tàu lượn và du thuyền.

- Xăng các loại.

- Điều hoà nhiệt độ công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay. Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh).

- Bài lá.

- Vàng mã, hàng mã, không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học.

- Nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

* Lưu ý: Hàng hóa trên là sản phẩm hoàn chỉnh, không bao gồm linh kiện để lắp ráp các hàng hóa này.

Theo đó, Điều 3 dự thảo đề xuất các hàng hóa trên sẽ không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong các trường hợp sau:         

- Hàng hóa do tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, thuê gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài hoặc bán, ủy thác cho tổ chức, cá nhân kinh doanh khác để xuất khẩu ra nước ngoài.

- Hàng hóa nhập khẩu bao gồm:       

+ Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, hàng trợ giúp nhân đạo, hàng cứu trợ khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh; quà tặng của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội,  tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp trong định mức được miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam trong định mức được miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

+ Hàng hóa quá cảnh theo quy định của pháp luật thương mại, quản lý ngoại thương; hàng hóa chuyển khẩu, trung chuyển; hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào kho ngoại quan sau đó xuất khẩu sang nước khác theo quy định của pháp luật hải quan.

+ Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu  không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trường hợp quá thời hạn tái xuất khẩu, tái nhập khẩu hoặc bán ra/thay đổi mục đích sử dụng trong thời hạn tạm nhập khẩu, tạm xuất khẩu thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

+ Đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng hóa mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; hàng nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế theo quy định của pháp luật. 

+ Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt bị phía nước ngoài trả lại khi nhập khẩu.

- Máy bay, trực thăng, tàu lượn, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch và máy bay, trực thăng, tàu lượn sử dụng cho các mục đích an ninh, quốc phòng, huấn luyện đào tạo phi công, phun thuốc trừ sâu, chữa cháy, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ.

- Xe ô tô cứu thương; xe ô tô chở phạm nhân; xe ô tô tang lễ; xe ô tô thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên; xe ô tô chở người, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông và chỉ chạy trong phạm vi khu vui chơi, giải trí, thể thao, di tích lịch sử, bệnh viện, trường học và xe ô tô chuyên dụng khác.

- Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung đối tượng không chịu thuế để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và tổng hợp vào Báo cáo của Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

(Theo Điều 3 dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt).

Theo đó, tại nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) như sau:

- Về đối tượng không chịu thuế là hàng hóa đã xuất khẩu ra nước ngoài bị phía nước ngoài trả lại phải nhập khẩu lại vào Việt Nam: Về nguyên tắc, hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài không phải chịu thuế TTĐB, vì vậy, khi nhập khẩu lại vào Việt Nam thì phải áp thuế TTĐB tương tự như các hàng hoá nhập khẩu khác. Tuy nhiên, riêng đối với trường hợp hàng được bán qua doanh nghiệp thương mại để xuất khẩu thì bên bán (doanh nghiệp sản xuất hoặc doanh nghiệp nhập khẩu) đã phải nộp thuế TTĐB, như vậy, nếu tiếp tục bị đánh thuế khi nhập khẩu do bị khách hàng trả lại thì số hàng hoá này sẽ bị đánh thuế 2 lần. Vì vậy, để không đánh thuế 2 lần đối với cùng một sản phẩm, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH xin chỉnh lý nội dung này theo hướng quy định rõ “Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài đã nộp thuế TTĐB bị phía nước ngoài trả lại khi nhập khẩu” thì thuộc đối tượng không chịu thuế. 

- Về đối tượng không chịu thuế là hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào kho ngoại quan sau đó xuất khẩu sang nước khác: Dự thảo Luật đã bỏ quy định không thu thuế đối với hàng hóa đưa vào khu phi thuế quan của Luật hiện hành. Theo đó, kể cả hàng hoá nhập khẩu vào kho ngoại quan chỉ với mục đích để gửi, trung chuyển sau đó xuất khẩu sang nước khác cũng sẽ phải chịu thuế TTĐB. Điều này là chưa phù hợp nguyên tắc thuế TTĐB chỉ đánh đối với hàng hóa được tiêu dùng tại Việt Nam. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH xin bổ sung các đối tượng này vào diện không chịu thuế tương tự như các hàng hoá quá cảnh khác và chỉnh lý tương ứng tại điểm b khoản 2 Điều 3 (Hàng hóa quá cảnh theo quy định của pháp luật thương mại, quản lý ngoại thương; hàng hóa chuyển khẩu, trung chuyển; hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào kho ngoại quan sau đó xuất khẩu sang nước khác theo quy định của pháp luật hải quan).

Xem thêm nội dung tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chia sẻ bài viết lên facebook 16

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079