Nhiệm vụ xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết 139

19/05/2025 18:20 PM

Dưới đây là bài viết về Nhiệm vụ xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết 139/NQ-CP.

Nhiệm vụ xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết 139 (Hình từ Internet)

Ngày 17/05/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP ban hành kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

1. Nhiệm vụ xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết 139

Nhằm khẩn trương triển khai Nghị quyết 198/2025/QH15, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa và quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ xử  lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh như sau:

(1) Bộ Công an khẩn trương rà soát, sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, phối hợp chặt chẽ với hệ thống tòa án, viện kiểm sát các cấp, hướng dẫn thực hiện và chỉ đạo, quán triệt trong quá trình điều tra, xử lý các sai phạm đảm bảo nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm; xử lý kịp thời, hiệu quả vật chứng, tài sản nhưng không làm ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết vụ việc, vụ án; sớm khắc phục hậu quả thiệt hại, đưa tài sản vào khai thác, sử dụng, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển, tránh thất thoát, lãng phí; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết 198/2025/QH15 và điểm 2.3 khoản 2 Mục II Nghị quyết 68-NQ/TW; hoàn thành trong năm 2025.

(2) Bộ Tư pháp:

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự 2015 và phối hợp tham gia ý kiến với các cơ quan chủ trì sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Trọng tài thương mại 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, thương mại nhằm: 

+ Rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng, tranh chấp thương mại đặc biệt là thương mại quốc tế đảm bảo nhanh chóng, công bằng, khách quan, bình đẳng; 

+ Bổ sung cơ chế xử lý nghiêm hành vi trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán hợp đồng; 

+ Bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu tài sản hữu hình, vô hình của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, giảm thiểu tối đa rủi ro pháp lý; hoàn thành trong năm 2026.

- Rà soát, hoàn thiện Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành bổ sung chế tài xử lý nghiêm, đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, giả mạo sở hữu trí tuệ, các vi phạm trên không gian mạng; hoàn thành trong năm 2026-2027.

(3) Bộ Khoa học và Công nghệ:

- Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ bổ sung chế tài xử lý nghiêm, đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, giả mạo sở hữu trí tuệ, các vi phạm trên không gian mạng; hoàn thành trong năm 2025-2026.

- Nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để bảo đảm thực hiện trực tuyến toàn trình thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, cắt giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục yêu cầu cấp quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế; bố trí đầy đủ nguồn lực, hoàn thiện cơ chế tài chính đối với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; hoàn thành trong năm 2025-2026.

2. Nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh

Theo Điều 5 Nghị quyết 198/2025/QH15 quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh như sau:

- Phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân trong xử lý vi phạm; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.

- Đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.

- Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời, toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo.

- Không được áp dụng hồi tố quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

- Đối với vụ việc mà thông tin, tài liệu, chứng cứ chưa đủ rõ ràng để kết luận có hành vi vi phạm pháp luật thì phải sớm có kết luận theo quy định của pháp luật tố tụng, thực hiện công bố công khai kết luận này.

- Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.

- Bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án. Sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.

- Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản, thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với tài sản, quyền, nghĩa vụ của cá nhân người quản lý doanh nghiệp trong xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc.

- Xử lý kịp thời, hiệu quả vật chứng, tài sản nhưng không làm ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết vụ việc, vụ án; sớm khắc phục hậu quả thiệt hại, đưa tài sản vào khai thác, sử dụng, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển, tránh thất thoát, lãng phí; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nguyễn Thị Mỹ Quyền

Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079