Công văn 7902: Hướng dẫn chuyển đổi Báo cáo tài chính từ USD sang VND (Hình Từ Internet)
Ngày 19/5/2025, Chi cục Thuế Khu vực XVI đã ban hành Công văn 7902/CCTKV.XVI-QLDN2 về chuyển đổi Báo cáo tài chính từ USD sang VND.
![]() |
Công văn 7902/CCTKV.XVI-QLDN2 về chuyển đổi Báo cáo tài chính từ USD sang VND |
Theo đó, sau khi Chi cục Thuế Khu vực XVI nhận được văn bản 06/2025-II-VI ngày 06/5/2025 về việc đề nghị hướng dẫn cách thức chuyển đổi và hạch toán tiền thuế thu nhập doanh nghiệp từ đô la Mỹ (USD) sang đồng Việt Nam (VND) thì Chi cục Thuế Khu vực XVI đã có hướng dẫn chuyển đổi Báo cáo tài chính từ USD sang VND tại Công văn 7902/CCTKV.XVI-QLDN2 năm 2025 như sau:
- Căn cứ Điều 7 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về đồng tiền khai thuế, nộp thuế:
“Điều 7. Đồng tiền khai thuế, nộp thuế
1. Đồng tiền khai thuế, nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
2. Người nộp thuế hạch toán kế toán bằng ngoại tệ theo quy định của Luật Kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch.
3. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đồng tiền nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Tỷ giá tính thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi quy định tại khoản 1, khoản 3 và tỷ giá giao dịch thực tế quy định tại Khoản 2 Điều này.”
- Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về nguyên tắc khai thuế, tính thuế:
“Điều 42. Nguyên tắc khai thuế, tính thuế
1. Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.
2. Người nộp thuế tự tính số tiền thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
- Căn cứ Điều 107 Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn đồng tiền sử dụng để lập Báo cáo tài chính khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam:
“Điều 107. Đồng tiền sử dụng để lập Báo cáo tài chính khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam
1. Báo cáo tài chính được sử dụng để công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam phải được trình bày bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp lập Báo cáo tài chính bằng đồng ngoại tệ thì phải chuyển đổi Báo cáo tài chính ra Đồng Việt Nam khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam.
2. Phương pháp chuyển đổi Báo cáo tài chính lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam để công bố thông tin ra công chúng và nộp các cơ quan quản lý Nhà nước:
a) Khi chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ ra Đồng Việt Nam, kế toán phải quy đổi các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:
- Tài sản và nợ phải trả được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối kỳ (là tỷ giá chuyển khoản của một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm báo cáo);
- Vốn chủ sở hữu (vốn góp của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác, quyền chọn chuyển đổi trái phiếu) được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày góp vốn;
- Chênh lệch tỷ giá và chênh lệch đánh giá lại tài sản được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày đánh giá;
- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phát sinh sau ngày đầu tư được quy đổi ra Đồng Việt Nam bằng cách tính toán theo các khoản mục của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
- Lợi nhuận, cổ tức đã trả được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày trả lợi tức, cổ tức;
- Các khoản mục thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch. Trường hợp tỷ giá bình quân kỳ kế toán xấp xỉ với tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch (chênh lệch không vượt quá 3%) thì có thể áp dụng theo tỷ giá bình quân (nếu lựa chọn).
b) Phương pháp kế toán chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ ra Đồng Việt Nam.
Chênh lệch tỷ giá phát sinh khi chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ ra Đồng Việt Nam được ghi nhận trên chỉ tiêu “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” - Mã số 417 thuộc phần vốn chủ sở hữu của Bảng cân đối kế toán.”
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty lập Báo cáo tài chính bằng đồng ngoại tệ thì phải chuyển đổi Báo cáo tài chính ra Đồng Việt Nam khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam. Khi chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ ra Đồng Việt Nam, Công ty thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị, áp dụng thực hiện theo quy định.
Nếu có vướng mắc, Công ty liên hệ với Chi cục Thuế Khu vực XVI - Phòng Quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp 2; địa chỉ: số 19 Lê Duẩn, khu phố 2, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương; số điện thoại: 0274.3840453 (Công chức: Nguyễn Thùy Linh) để được hỗ trợ.
Trên đây là ý kiến của Chi cục Thuế Khu vực XVI về việc hướng dẫn chuyển đổi Báo cáo tài chính từ USD sang VND.
Xem thêm tại Công văn 7902/CCTKV.XVI-QLDN2 ban hành ngày 19/5/2025.