Kinh phí cải cách tiền lương 2024 còn dư được chuyển sang 2025 để chi trả nghỉ việc tại Nghị định 178 (Hình từ internet)
Ngày 17/5/2025, Quốc hội thông qua Nghị quyết 196/2025/QH15 điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Theo đó, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP, theo cơ chế thực hiện cải cách tiền lương, cụ thể:
- Sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2024 của ngân sách trung ương còn dư chuyển nguồn sang năm 2025 là 15.710 tỷ đồng để Chính phủ bổ sung dự toán chi cho Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nhiệm vụ.
- Bổ sung dự toán thu ngân sách trung ương năm 2025 là 28.290 tỷ đồng từ nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương, đồng thời, bổ sung tương ứng dự toán chi ngân sách trung ương năm 2025 để Chính phủ bổ sung dự toán chi cho bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nhiệm vụ.
- Trường hợp nhu cầu kinh phí phát sinh vượt tổng mức quy định tại 2 khoản nêu trên, cho phép Chính phủ sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để thực hiện.
Như vậy, sẽ sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2024 của ngân sách trung ương còn dư chuyển nguồn sang năm 2025 là 15.710 tỷ đồng để Chính phủ bổ sung dự toán chi cho Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định chính sách, chế độ, gồm:
- Chính sách, chế độ đối với người nghỉ việc (nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc);
- Chính sách đối với người được bầu cử, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý có phụ cấp chức vụ thấp hơn hoặc thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
- Chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi công tác tại cơ sở;
- Chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội;
- Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp;
Trách nhiệm thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ từ trung ương đến cấp huyện, cán bộ, công chức cấp xã, lực lượng vũ trang (gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu) trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, bao gồm:
(1) Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện (sau đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức từ trung ương đến cấp huyện) và lực lượng vũ trang.
(2) Các tổ chức hành chính của cơ quan, tổ chức từ trung ương đến cấp huyện trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc không trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.
(3) Các đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc không trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng viên chức, gồm:
- Các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến cấp huyện và các tổ chức hành chính của cơ quan, tổ chức từ trung ương đến cấp huyện;
- Các đơn vị thuộc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương và huyện ủy, thị ủy, quận ủy, thành ủy thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; thuộc tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh.
(4) Đơn vị sự nghiệp công lập khác còn lại (không thuộc quy định tại khoản (3)) hoàn thành việc sắp xếp tổ chức trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.
(5) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị do sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
(6) Các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập tổ chức bộ máy.
(Điều 1 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP))