Hướng dẫn nguyên tắc kế toán trước thời điểm sắp xếp, tinh gọn bộ máy (Hình từ internet)
Bộ Tài chính ban hành Công văn 1010/BTC-QLKT năm 2025 hướng dẫn công tác kế toán khi tổ chức thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Tại phụ lục I hướng dẫn công việc kế toán của đơn vị kế toán thuộc diện bị sắp xếp trước thời điểm sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Trong đó, quy định cụ thể nguyên tắc kế toán trước thời điểm sắp xếp, tinh gọn bộ máy như sau:
Đối với đơn vị kế toán cơ sở thuộc diện bị sắp xếp, phải bàn giao tài sản, tài chính cho đơn vị khác
- Tất cả các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh của đơn vị kế toán cơ sở trong kỳ kế toán cuối cùng, bao gồm cả các nghiệp vụ liên quan đến xử lý tài sản, tài chính trước khi bàn giao cho đơn vị khác phải được hạch toán đầy đủ trên sổ kế toán của đơn vị trước thời điểm khóa sổ kế toán kỳ cuối cùng theo quy định của Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp hiện hành và hướng dẫn có liên quan.
Đơn vị kế toán cơ sở thuộc diện bị sắp xếp lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động kỳ kế toán cuối cùng để phục vụ bàn giao.
- Đối với tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, kho bạc:
+ Đơn vị phải hoàn trả các khoản đã rút tạm ứng kinh phí NSNN về quỹ tiền mặt nhưng chưa sử dụng hết trước khi bàn giao;
+ Nguyên tắc đối chiếu số dư tài khoản tiền (Tài khoản 111, 112):
++ Đối với số dư tài khoản tiền mặt (Tài khoản 111): Tại thời điểm khóa sổ kế toán, đơn vị phải thực hiện kiểm kê tiền mặt tại đơn vị và lập Bảng kiểm kê quỹ tiền mặt thực tế, đối chiếu giữa số liệu trên sổ kế toán tiền mặt với số liệu trên sổ của thủ quỹ và tiền mặt thực tế hiện có tại đơn vị đảm bảo chính xác, khớp đúng. Trên Bảng kiểm kê quỹ tiền mặt phải có đầy đủ chữ ký của thủ quỹ, kế toán trưởng và thủ trưởng đơn vị.
Trường hợp có chênh lệch phải xử lý ngay trước khi bàn giao. Trường hợp bàn giao toàn bộ tiền sang 01 đơn vị khác thì Bảng kiểm kê quỹ tiền mặt phải được lập tối thiểu thành 02 liên, 01 liên lưu tại hồ sơ kỳ kế toán cuối cùng của đơn vị, 01 liên sử dụng để bàn giao tiền mặt sang đơn vị mới.
++ Đối với số dư tài khoản tiền gửi ngân hàng, kho bạc (Tài khoản 112): Tại thời điểm khoá sổ kế toán, đơn vị phải kiểm tra, đối chiếu đảm bảo số tiền gửi vào, rút ra và số tồn trên sổ kế toán tiền gửi ngân hàng, kho bạc khớp đúng với số liệu của tài khoản do ngân hàng, kho bạc nhà nước quản lý. Khi thực hiện đối chiếu phải kiểm tra số liệu chi tiết tương ứng với từng tài khoản tiền gửi ngân hàng, kho bạc và phải có xác nhận của ngân hàng, kho bạc nhà nước nơi mở tài khoản. Trường hợp có chênh lệch giữa số liệu trên sổ kế toán và số liệu tại ngân hàng, kho bạc thì phải xử lý dứt điểm trước khi bàn giao.
++ Số liệu tiền mặt, tiền gửi đã đối chiếu nêu trên phải trùng khớp với số liệu trình bày trên báo cáo tài chính kỳ cuối cùng của đơn vị kế toán cơ sở.
+ Khi bàn giao tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, kho bạc cho đơn vị khác, đơn vị phải kiểm tra chi tiết đảm bảo số dư tiền tại ngày khóa sổ để bàn giao phải bao gồm tối thiểu các khoản sau đây:
++ Số dư khoản bảo hành công trình chưa sử dụng;
++ Số dư kinh phí kỳ kế toán trước mang sang chưa sử dụng (bao gồm cả kinh phí cải cách tiền lương chưa sử dụng);
++ Số dư các Quỹ đã trích lập chưa sử dụng;
++ Số dư các khoản đã nhận trước của khách hàng trong trường hợp chưa xử lý hết;
++ Số dư kinh phí từ nguồn phí được khấu trừ, để lại chưa sử dụng.
++ Số dư các khoản có tính chất phải trả khác trong trường hợp còn chưa xử lý hết.
++ Số dư các khoản khác (nếu có) mà đơn vị chưa thanh toán như nhận đặt cọc, ký quỹ, ký cược,...;
Trường hợp số dư tiền còn lại khi bàn giao bị ít hơn so với các số liệu nêu trên, đơn vị phải khẩn trương rà soát, xử lý ngay và thu hồi đủ để thực hiện bàn giao. Trong trường hợp đặc biệt chưa xử lý được thì phải làm rõ lý do, xác định rõ trách nhiệm về việc này trong biên bản bàn giao cho đơn vị mới. Tuyệt đối không để thất thoát nguồn lực của nhà nước trong quá trình bàn giao.
- Đối với TSCĐ, hàng tồn kho:
+ Trường hợp tại đơn vị phát sinh TSCĐ, hàng tồn kho thừa, thiếu so với số liệu thực tế kiểm kê phải kịp thời xử lý và phản ánh ngay vào sổ kế toán trước khi khoá sổ kế toán kỳ cuối cùng.
+ Đối với công cụ, dụng cụ đã đưa vào sử dụng mà chưa phân bổ hết giá trị (đang theo dõi trên tài khoản 242 “Chi phí trả trước”): Thực hiện phân bổ hết giá trị còn lại vào chi phí của kỳ kế toán cuối cùng.
- Đối với các khoản phải thu, phải trả:
+ Tại ngày khoá sổ kế toán kỳ cuối cùng, đơn vị phải đối chiếu toàn bộ số dư các khoản phải thu, phải trả hiện có với các bên liên quan (chi tiết theo từng đối tượng thanh toán), lập Bảng xác nhận công nợ có xác nhận của đối tượng thanh toán.
+ Khẩn trương xử lý, tất toán hết số dư các khoản phải thu, phải trả theo quy định trước khi khoá sổ kế toán kỳ cuối cùng. Trường hợp đặc biệt đối với số dư tài khoản phải thu, phải trả phát sinh trước 31/12/2024 chưa thể tất toán thì phải lập biên bản ghi rõ lý do, xác định rõ đối tượng mà đơn vị còn phải thu, phải trả; đồng thời sao lục lại toàn bộ hồ sơ có liên quan để bàn giao cho đơn vị mới có căn cứ tiếp tục xử lý sau khi nhận bàn giao.
+ Trường hợp có các khoản thu hộ, chi hộ phải xử lý hết số dư trước ngày bàn giao.
- Đối với công trình, dự án dở dang được bàn giao cho đơn vị khác thì phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ có liên quan để đơn vị nhận bàn giao tiếp tục theo dõi, thực hiện quyết toán khi công trình, dự án hoàn thành. Trường hợp bàn giao hợp đồng dở dang thì phải đảm bảo tính pháp lý (hiệu lực của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên,...) để đơn vị nhận bàn giao có đủ căn cứ tiếp tục thực hiện.
- Đối với các số liệu kế toán khác phải bàn giao thì phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan để đơn vị nhận bàn giao tiếp tục theo dõi thực hiện.
- Đơn vị kế toán cơ sở phải khoá sổ kế toán tại thời điểm cuối ngày hoạt động cuối cùng ngay trước ngày quyết định sắp xếp, tinh gọn bộ máy có hiệu lực thi hành và lập báo cáo tài chính theo quy định của Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp để phục vụ cho bàn giao số liệu kế toán.
- Đối với báo cáo của đơn vị kế toán cơ sở:
+ Báo cáo tài chính:
++ Báo cáo tài chính năm 2024 (bao gồm cả thời gian kéo dài, nếu có): Đơn vị kế toán cơ sở nộp cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định để đảm bảo thời gian tổng hợp số liệu phục vụ cho bàn giao của đơn vị kế toán cấp trên.
++ Trường hợp kỳ kế toán cuối cùng là kỳ kế toán thuộc năm 2025 thì báo cáo tài chính phải bao gồm toàn bộ thông tin, số liệu nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày trước ngày quyết định sắp xếp, tinh gọn bộ máy có hiệu lực thi hành để phục vụ bàn giao sang đơn vị mới. Đơn vị kế toán cơ sở nộp cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên hướng dẫn cụ thể.
+ Báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động được nộp về đơn vị kế toán cấp trên theo hướng dẫn về quyết toán NSNN trước khi bàn giao.
Trường hợp đơn vị kế toán cấp trên bị sắp xếp nhưng đơn vị kế toán cơ sở không phải bàn giao tài sản, tài chính cho đơn vị khác
- Đơn vị kế toán cơ sở triển khai công tác kế toán năm 2025 từ 01/01/2025 theo quy định của Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp theo Thông tư 24/2024/TT-BTC.
- Đơn vị kế toán cơ sở lập Bảng cân đối số phát sinh từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày trước ngày quyết định sắp xếp, tinh gọn bộ máy có hiệu lực thi hành, nộp về đơn vị kế toán cấp trên để chốt số liệu phục vụ cho bàn giao của đơn vị kế toán cấp trên.
- Trường hợp đơn vị kế toán cấp trên trực tiếp xác định kỳ kế toán cuối cùng là kỳ kế toán kéo dài thì các đơn vị kế toán cơ sở trực thuộc phải thực hiện thống nhất để đảm bảo việc tổng hợp số liệu báo cáo.
Đối với đơn vị kế toán cấp trên
- Báo cáo tài chính tổng hợp năm 2024 (bao gồm cả thời gian kéo dài, nếu có), đơn vị kế toán cấp trên chịu trách nhiệm:
+ Lập và nộp cho các cơ quan có liên quan theo quy định tại Thông tư 99/2018/TT-BTC.
+ Quyết định thời gian nộp báo cáo tài chính năm 2024 của đơn vị kế toán cơ sở đảm bảo kịp thời cung cấp đầy đủ báo cáo tài chính để tổng hợp số liệu lập Báo cáo tài chính tổng hợp năm 2024.
- Đối với báo cáo tài chính kỳ kế toán cuối cùng năm 2025 (nếu có): Đơn vị kế toán cấp trên quyết định thời gian nộp báo cáo tài chính hoặc Bảng cân đối số phát sinh để đảm bảo kịp thời cho công tác bàn giao của đơn vị kế toán cấp trên.
- Hướng dẫn hồ sơ, tài liệu kế toán phải bàn giao của đơn vị kế toán cơ sở trực thuộc để đảm bảo bàn giao đầy đủ, chính xác, phù hợp, tạo thuận lợi cho việc ghi sổ kế toán của đơn vị nhận bàn giao và thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát sau này.
Nguyễn Tùng Lâm