Hợp đồng BT là gì? Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT được thực hiện thế nào? (Hình từ Internet)
Theo Điều khoản 2a Điều 45 Luật PPP được bổ sung bởi Luật 57/2024/QH15, hợp đồng đầu tư dự án theo phương thức xây dựng – chuyển giao còn gọi là hợp đồng BT được quy định như sau:
- Hợp đồng BT là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; sau khi hoàn thành, nhà đầu tư chuyển giao công trình dự án BT cho cơ quan có thẩm quyền.
- Hợp đồng BT được thực hiện theo hình thức sau đây:
+ Thanh toán bằng quỹ đất được thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai, quỹ đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý để thực hiện dự án đối ứng. Việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện công trình BT và dự án đối ứng là trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Giá đất dự kiến của quỹ đất thanh toán dự án BT được tính căn cứ bảng giá đất tại thời điểm lập dự án, lập hồ sơ mời thầu. Việc thanh toán được thực hiện theo cơ chế bù trừ chênh lệch giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán;
+ Thanh toán bằng ngân sách nhà nước từ nguồn vốn đầu tư công hoặc từ nguồn ngân sách nhà nước thu được sau đấu giá quỹ đất, tài sản công và được ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước. Giá trị công trình dự án BT gồm tổng mức đầu tư xây dựng công trình được xác định theo quy định của pháp luật về xây dựng và các chi phí khác sau giai đoạn xây dựng, trong đó có lãi vay sau giai đoạn xây dựng, lợi nhuận hợp lý của nhà đầu tư
Tại Dự thảo Nghị định về dự án BT, Bộ Tài chính đề xuất quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT như sau:
(i) Về phê duyệt hồ sơ mời thầu
Để bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước được cân đối, bố trí hiệu quả, chính xác, tránh tối đa các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh toán, dự thảo Nghị định quy định hồ sơ mời thầu phải gồm thông tin về tổng mức đầu tư dự án BT được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, giá trị chênh lệch dự kiến giữa tổng mức đầu tư và giá trị quỹ đất thanh toán. Thiết kế kỹ thuật, tổng mức đầu tư dự án BT có thể được lập, phê duyệt trước khi phê duyệt hồ sơ mời thầu hoặc được lập, phê duyệt đồng thời với hồ sơ mời thầu.
(ii) Về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu
Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn đánh giá tài chính phù hợp cho dự án BT căn cứ loại hợp đồng BT quy định tại khoản 2a Điều 45 Luật PPP, theo đó:
- Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước, áp dụng tiêu chuẩn về giá trị thanh toán, nhà đầu tư đề xuất giá trị thanh toán thấp nhất được xếp thứ nhất và xem xét đề nghị trúng thầu.
- Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng đất, áp dụng tiêu chuẩn về lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước căn cứ theo giá trị chênh lệch dự kiến giữa giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT, tỷ lệ gia tăng nộp ngân sách nhà nước đối với quỹ đất thanh toán. Dự thảo Nghị định đề xuất 02 phương án quy định tỷ lệ này, trong đó:
+ Phương án 1: hồ sơ mời thầu không quy định tỷ lệ tối thiểu, nhà đầu tư sẽ tự đề xuất tỷ lệ này;
+ Phương án 2: hồ sơ mời thầu sẽ quy định tỷ lệ tối thiểu được xác định tương tự như quy định về tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước (m) của dự án đầu tư có sử dụng đất tại Nghị định 115/2024/NĐ-CP. Nhà đầu tư đề xuất tỷ lệ gia tăng nộp ngân sách nhà nước cao nhất được xem xét đề nghị trúng thầu. Giá trị gia tăng thực tế nộp vào ngân sách nhà nước sẽ được tính theo tỷ lệ mà nhà đầu tư đã đề xuất và giá trị quỹ đất thanh toán tại thời điểm giao đất, cho thuê đất.
Xem thêm tại Dự thảo Nghị định về dự án BT.
Lê Quang Nhật Minh