Kết luận 155: Trước 01/6/2025, phải xong dự thảo nghị định phục vụ vận hành bộ máy chính quyền mới

21/05/2025 10:10 AM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về trước 01/6/2025, phải xong dự thảo nghị định phục vụ vận hành bộ máy chính quyền mới.

Kết luận 155: Trước 01/6/2025, phải xong dự thảo nghị định phục vụ vận hành bộ máy chính quyền mới (Hình từ internet)

Ngày 17/5/2025, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 155-KL/TW về nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ nay đến ngày 30/6/2025.

Kết luận 155: Trước 01/6/2025, phải xong dự thảo nghị định phục vụ vận hành bộ máy chính quyền mới

Tại phiên họp ngày 16/5/2025, sau khi nghe Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương về tình hình, tiến độ triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khoá XIII (Báo cáo 386-BC/BTCTW, ngày 14/5/2025); Báo cáo của Đảng uỷ Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Báo cáo 21-BC/ĐU, ngày 15/5/2025), Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có một số chỉ đạo quan trọng về sắp xếp nhân sự sau sáp nhập đơn vị hành chính các cấp.

Đáng chú ý, Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo: Trên cơ sở nguyên tắc phân cấp, phân quyền, Đảng uỷ Chính phủ, đảng uỷ các bộ, cơ quan ngang bộ, đặc biệt là người đứng đầu chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư trong việc thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương; tham mưu việc ban hành đầy đủ các nghị định, văn bản thực hiện phân cấp, phân quyền, bảo đảm có nguồn lực thực thi, có quy định chuyển tiếp rõ ràng, không để có khoảng trống, không gián đoạn công việc; dự thảo các văn bản liên quan cần hoàn chỉnh trước ngày 01/6/2025 và ban hành trước ngày 25/6/2025.

Được biết, tại Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ sẽ ban hành khoảng 25 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền.

Quy định về việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hiện nay

Theo Điều 11 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2024 quy định về việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương như sau:

- Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan nhà nước ở địa phương và của chính quyền địa phương các cấp theo hình thức phân quyền, phân cấp.

- Việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

+ Xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả;

+ Bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương;

+ Phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước cấp trên được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó;

+ Bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực gắn với trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên; kịp thời điều chỉnh nội dung phân quyền, phân cấp khi cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân quyền, phân cấp thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

+ Bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thi hành Hiến pháp 2013 và pháp luật;

+ Đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương; ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;

+ Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định khác.

- Chính quyền địa phương được chủ động đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về việc phân quyền, phân cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương.

- Việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, các cơ quan của chính quyền địa phương tại các văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2024, bảo đảm quyền lực nhà nước được kiểm soát hiệu quả.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 72

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079