Tăng gấp đôi tốc độ mạng di động của Việt Nam trong năm 2025 so với năm trước (Hình từ internet)
Ngày 18/05/2025, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định 912/QĐ-BKHCN ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số Việt Nam thời kỳ 2025- 2030 (sau đây gọi là Kế hoạch).
Theo đó, Kế hoạch đã đặt mục tiêu hạ tầng viễn thông – Internet của Việt Nam trong năm 2025 này như sau:
- Mở rộng vùng phủ sóng 5G toàn quốc, phấn đấu số trạm 5G phát sóng trong năm 2025 đạt tối thiểu 50% so với số lượng trạm 4G đã phát sóng.
- Tăng gấp đôi tốc độ tải xuống trung bình của mạng viễn thông di động mặt đất Việt Nam so với năm 2024.
- Đưa vào khai thác tối thiểu 01 tuyến cáp quang biển quốc tế mới. Tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt 52 Tbps.
- Tối thiểu 25% người sử dụng có khả năng truy nhập băng rộng cố định với tốc độ trên 1Gb/s.
- Tối thiểu 01 doanh nghiệp được cấp phép và tổ chức triển khai thí điểm dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp.
- Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi Internet sang IPv6.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững, hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh, mạng cáp quang băng thông rộng tốc độ cao phủ sóng toàn quốc, mạng thông tin di động 5G, 6G và các thế hệ tiếp theo, cụ thể:
- 100% người sử dụng có khả năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên.
- Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số.
- Xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G.
- Số tuyến cáp quang biển mới đưa vào hoạt động: 09 Tuyến cáp quang biển. Tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển: ≥ 350 Tbps. Hệ thống cáp quang trên biển của Việt Nam được triển khai phân bổ hài hòa theo tất cả các hướng khả thi về mặt kỹ thuật: kết nối ra biển Đông lên phía Bắc; kết nối ra biển Đông xuống phía Nam; kết nối ra vùng biển phía Nam.
- Hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 02 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ.
- Triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 02 tuyến cáp quang đất liền quốc tế, đảm bảo tổng dung lượng cáp quang quốc tế trên đất liền đạt tối thiểu 15% dung lượng sử dụng thực tế của hệ thống cáp quang trên biển.
- Tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt 90%; chuyển đổi hoàn toàn mạng Internet Việt Nam sang IPv6, sẵn sàng cho IPv6 only, Internet of Things.
Ngoài ra, để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch đã nêu những nhiệm vụ , giải pháp trọng tâm cần thực hiện, bao gồm:
- Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông.
- Tổ chức đấu giá băng tần 700 MHz và các băng tần di động khác, kịp thời đáp ứng nhu cầu tần số để phát triển hạ tầng viễn thông của doanh nghiệp.
- Ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy hoạch tần số vô tuyến điện phù hợp với xu hướng quốc tế, tạo nền tảng vững chắc trong xây dựng hệ thống thông tin hiện đại, thông suốt và hiệu quả.
- Triển khai các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết 193/2025/QH15 ngày 19 tháng 2 năm 2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, bao gồm:
+ Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp triển khai nhanh 5G;
+ Chính sách phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư;
+ Thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp.
Xem thêm tại Quyết định 912/QĐ-BKHCN ngày 18/05/2025.