Trường hợp áp dụng Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế

10/12/2022 14:30 PM

Đối xử quốc gia là gì? Trường hợp nào áp dụng Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế? - Bích Đào (TP.HCM)

Trường hợp áp dụng Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế

Trường hợp áp dụng Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối xử quốc gia là gì?

Theo khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 3 Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế 2002 quy định về Đối xử quốc gia như sau:

- Đối xử quốc gia trong thương mại hàng hoá là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho hàng hoá nhập khẩu so với hàng hóa tương tự trong nước.

- Đối xử quốc gia trong thương mại dịch vụ là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài so với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự trong nước.

- Đối xử quốc gia trong đầu tư là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài so với đầu tư và nhà đầu tư trong nước trong những điều kiện tương tự.

- Đối xử quốc gia đối với quyền sở hữu trí tuệ là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho việc xác lập, bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó của tổ chức, cá nhân nước ngoài so với tổ chức, cá nhân trong nước.

2. Đối tượng áp dụng Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế

Theo Điều 2 Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế 2002 quy định về đối tượng áp dụng Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế bao gồm:

- Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam và hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam;

- Dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài;

- Đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài;

- Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Nguyên tắc áp dụng Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế

Nguyên tắc áp dụng Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế theo Điều 4 Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế 2002 như sau:

Nhà nước Việt Nam áp dụng Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, có đi có lại và cùng có lợi.

4. Trường hợp áp dụng Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế

Trường hợp áp dụng Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế theo Điều 15 Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế 2002 như sau:

- Pháp luật Việt Nam có quy định về áp dụng Đối xử quốc gia;

- Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định áp dụng Đối xử quốc gia;

- Quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thực tế đã áp dụng Đối xử quốc gia đối với Việt Nam;

- Các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.

5. Phạm vi áp dụng Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế

Phạm vi áp dụng Đối xử quốc gia theo Điều 16 Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế 2002 như sau:

Đối xử quốc gia được áp dụng đối với các đối tượng tại mục 2 và theo nguyên tắc quy định tại mục 3 trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế có liên quan đến Đối xử quốc gia mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

6. Ngoại lệ về Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế

Theo Điều 17 Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế 2002 thì Đối xử quốc gia không áp dụng đối với:

- Việc mua sắm của Chính phủ Việt Nam nhằm mục đích tiêu dùng của Chính phủ;

- Các khoản trợ cấp dành cho nhà sản xuất trong nước, các chương trình trợ cấp thực hiện dưới hình thức Chính phủ Việt Nam mua lại hàng hoá sản xuất trong nước;

- Các quy định hạn chế thời lượng phim ảnh trình chiếu;

- Các khoản phí vận tải trong nước được tính trên cơ sở các hoạt động mang tính kinh tế của phương tiện vận tải.

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,603

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079