07 điều cần biết về cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

19/12/2022 16:00 PM

Xin hỏi là đối với cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thì được quy định thế nào? - Duy Mỹ (Khánh Hòa)

07 điều cần biết về cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

07 điều cần biết về cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia (Hình từ Internet)

Đối với vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giải đáp như sau:

1. Các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Tại khoản 5 Điều 3 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh như sau:

Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia là cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và đơn vị nghiệp vụ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được giao nhiệm vụ chuyên trách làm tham mưu, tổ chức, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia.

Các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia quy định tại Điều 22 Luật An ninh quốc gia 2004 gồm:

- Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị an ninh, tình báo, cảnh vệ Công an nhân dân;

- Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị bảo vệ an ninh quân đội, tình báo Quân đội nhân dân;

- Bộ đội biên phòng, cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và khu vực biên giới trên biển.

Lưu ý: Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, phạm vi trách nhiệm hoạt động và quan hệ phối hợp của các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật An ninh quốc gia 2004 do pháp luật quy định.

2. Nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Tại Điều 23 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định về nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia như sau:

- Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 14 Luật An ninh quốc gia 2004, gồm:

+ Bảo vệ chế độ chính trị và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

+ Bảo vệ an ninh về tư tưởng và văn hoá, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

+ Bảo vệ an ninh trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, đối ngoại và các lợi ích khác của quốc gia.

+ Bảo vệ bí mật nhà nước và các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.

+ Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại và loại trừ các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia.

- Các nhiệm vụ cụ thể của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia:

+ Tổ chức thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình và đề xuất các chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia;

+ Hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, tổ chức và công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn, xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc;

+ Tổ chức, chỉ đạo công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;

+ Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác bảo vệ an ninh quốc gia;

+ Thực hiện hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong phòng, chống hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

3. Quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Tại Điều 24 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định về quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia như sau:

3.1. Quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được quyền:

- Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật khi có căn cứ xác định liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức tài chính, kho bạc, ngân hàng kiểm tra, phong toả tài khoản, nguồn tài chính liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, hải quan bóc mở hoặc giao thư tín, điện tín, bưu phẩm, bưu kiện, hàng hoá để kiểm tra khi có căn cứ xác định trong đó có thông tin, tài liệu, chất nổ, vũ khí, vật phẩm khác có nguy hại cho an ninh quốc gia;

- Kiểm tra phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, máy tính, mạng máy tính, đồ vật, tài liệu, hàng hoá, chỗ ở, nơi làm việc hoặc các cơ sở khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ xác định liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;

- Trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra;

- Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc sử dụng phương tiện thông tin liên lạc hoặc các hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam khi có căn cứ xác định các hoạt động này gây nguy hại cho an ninh quốc gia; yêu cầu ngừng các chuyến vận chuyển bằng các loại phương tiện giao thông của Việt Nam hoặc các phương tiện giao thông của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm an toàn cho các phương tiện đó;

- Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người cộng tác, người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.

Lưu ý: Thủ trưởng cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia quyết định việc sử dụng các quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật An ninh quốc gia 2004 theo thủ tục, thẩm quyền do Chính phủ quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.

3.2. Trách nhiệm của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia có trách nhiệm:

- Tiến hành các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật;

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

Trong trường hợp vì yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia phải hạn chế các quyền và lợi ích đó thì phải được người có thẩm quyền quyết định;

- Giữ bí mật về sự giúp đỡ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia.

4. Quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Tại Điều 25 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định về Quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia như sau:

4.1. Quyền hạn của cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia trong khi thực hiện nhiệm vụ được quyền:

- Thực hiện các quyền quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật An ninh quốc gia 2004 theo quyết định của người có thẩm quyền của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia;

- Giữ bí mật về nhân thân, lai lịch, nhiệm vụ và phương tiện thực hiện nhiệm vụ;

- Miễn thủ tục hải quan đối với tài liệu, phương tiện nghiệp vụ mang theo khi nhập cảnh, xuất cảnh qua biên giới, cửa khẩu;

- Xuất trình giấy chứng minh an ninh trong trường hợp cần thiết để yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân giúp đỡ.

4.2. Trách nhiệm của cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, các quy tắc nghiệp vụ chuyên môn, kỷ luật của lực lượng vũ trang nhân dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những việc làm của mình.

5. Trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Tại Điều 26 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định về việc trang bị và sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Cán bộ, chiến sĩ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được trang bị và sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.

6. Chế độ quản lý thông tin, tài liệu, đồ vật về bảo vệ an ninh quốc gia

Căn cứ Điều 27 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định về chế độ quản lý thông tin, tài liệu, đồ vật về bảo vệ an ninh quốc gia như sau:

- Thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia hoặc do cơ quan này thu thập được thuộc bí mật nhà nước và được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

- Thông tin, tài liệu, đồ vật quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị lịch sử, khoa học và công nghệ đã được công bố theo quy định của pháp luật thì có thể được chuyển giao cho cơ quan lưu trữ nhà nước quản lý.

7. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia

Tại Điều 28 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia như sau:

Cán bộ, chiến sĩ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo, được phong, thăng hàm, cấp lực lượng vũ trang nhân dân và hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,412

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079