Quân trang, quân dụng gồm những gì?

03/04/2023 08:34 AM

Quân trang, quân dụng bao gồm những gì? Quân trang của các lực lượng được quy định cụ thể như thế nào? – Đức Phong (Điện Biên)

Quân trang, quân dụng gồm những gì?

Quân trang, quân dụng gồm những gì? (Hình từ Internet)

1. Quân trang gồm những gì?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 101/2022/NĐ-CP quy định quân trang bao gồm:

(1) Quân hiệu, phù hiệu, cấp hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam

Theo đó, quy định tại Nghị định 82/2016/NĐ-CP quân trang của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam được quy định như sau:

- Quân hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam là biểu tượng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Cấp hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam là biểu trưng thể hiện cấp bậc trong ngạch quân sự của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên, hạ sĩ quan - binh sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Phù hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm: Nền phù hiệu, hình phù hiệu, cành tùng; biểu tượng quân chủng, binh chủng; biển tên; lô gô.

- Trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm: Trang phục dự lễ, trang phục thường dùng, trang phục dã chiến, trang phục nghiệp vụ, trang phục công tác và áo ấm.

(2) Công an hiệu, phù hiệu, cấp hiệu và trang phục của lực lượng Công an nhân dân

Theo quy định tại Nghị định 160/2007/NĐ-CPNghị định 29/2016/NĐ-CP quân trang của lực lượng này bao gồm:

- Công an hiệu của Công an nhân dân là biểu tượng của Công an nhân dân.

- Phù hiệu của Công an nhân dân bao gồm: Nền phù hiệu, Công an hiệu, cành tùng đơn.

- Cấp hiệu của Công an nhân dân là biểu trưng thể hiện cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và học viên Công an nhân dân

- Trang phục của Công an nhân dân gồm: lễ phục, trang phục thường dùng, trang phục chiến đấu, trang phục hóa trang nghiệp vụ và trang phục nghi lễ.

(3) Cảnh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cảnh phục, lễ phục, cờ hiệu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

Tại Nghị định 61/2019/NĐ-CP quy định về quân trang của lực lượng Cảnh sát biển như sau:

- Cảnh hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam là biểu tượng của Cảnh sát biển Việt Nam.

- Cấp hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam là biểu trưng thể hiện cấp bậc của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên, hạ sĩ quan - binh sĩ thuộc Cảnh sát biển Việt Nam mang trên vai áo.

Cấu tạo cơ bản của cấp hiệu gồm: Nền, đường viền, cúc cấp hiệu, sao và gạch (đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp), vạch (đối với hạ sĩ quan - binh sĩ).

- Phù hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm: Nền phù hiệu, hình phù hiệu, cành tùng; biển tên; lô gô.

- Cảnh phục của Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm: Cảnh phục thường dùng; Cảnh phục dã chiến; Cảnh phục nghiệp vụ; Cảnh phục công tác.

- Lễ phục của Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm: Lễ phục mùa đông; Lễ phục mùa hè; Lễ phục của công nhân và viên chức quốc phòng; Lễ phục của đội danh dự và tiêu binh.

- Cờ hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam: Tàu thuyền, xuồng và phương tiện khác của Cảnh sát biển Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ phải treo cờ hiệu.

(4) Trang phục, sao mũ, phù hiệu của dân quân tự vệ

Được quy định tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP quân trang dân quân tự vệ bao gồm:

- Trang phục của dân quân tự vệ bao gồm: Trang phục cá nhân; Trang phục dùng chung (trừ dân quân thường trực).

- Sao mũ của dân quân tự vệ gồm có: Sao mũ cứng, sao mũ mềm.

- Phù hiệu của dân quân tự về gồm có: Nền phù hiệu, hình phù hiệu, cành tùng.

2. Quân dụng gồm những gì?

- Quân dụng là trang thiết bị, dụng cụ được chế tạo, sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế và công năng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định để phục vụ cho các hoạt động thường xuyên, huấn luyện, dã ngoại, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân.

- Quân dụng không bao gồm vũ khí quân dụng và trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

- Trong đó, vũ khí quân dụng là:

Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:

+ Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu.

+ Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân.

+ Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa.

+ Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định trên.

- Và trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh, gồm:

+ Trang thiết bị kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an và trang thiết bị đặc chủng là các trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện được chế tạo, sản xuất để phục vụ quốc phòng, an ninh.

+ Linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư là chi tiết điện tử, chi tiết bán dẫn, chi tiết cơ khí, bộ phận và phụ tùng, vật tư khác được chế tạo, sản xuất để thay thế, hỗ trợ hoặc bảo đảm hoạt động cho vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an và trang thiết bị đặc chủng theo quy định trên gồm cả vũ khí quân dụng.

Lê Vũ Trang Nhi

Chia sẻ bài viết lên facebook 15,621

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079