Dân vận là gì? Quy định công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân

24/08/2024 11:00 AM

Dân vận là vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dưới đây là một số quy định công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân.

Nội dung được đề cập tại Thông tư 09/2024/TT-BCA quy định về việc thực hiện công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/5/2024).

Dân vận là gì? Công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân là gì?

Dân vận là vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân là toàn bộ hoạt động của lực lượng Công an nhân dân tiến hành vận động Nhân dân thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh và củng cố mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng Công an nhân dân với Nhân dân.

Phong trào thi đua dân vận khéo của lực lượng Công an nhân dân là hình thức thu hút, lôi cuốn đông đảo tập thể, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân.

Mô hình dân vận khéo của lực lượng Công an nhân dân là hình mẫu về tổ chức thực hiện công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Điển hình dân vận khéo của lực lượng Công an nhân dân là những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng, duy trì hoặc tham gia xây dựng, duy trì mô hình dân vận khéo của lực lượng Công an nhân dân.

(Căn cứ Điều 2 Thông tư 09/2024/TT-BCA)

Quy định công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân

Quy định công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân (Hình từ internet)

Quy định công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân

Nội dung thực hiện công tác dân vận

Tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chế, chương trình, kế hoạch về vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện đúng các quy định của Chính phủ Việt Nam, chính quyền nước sở tại và phát huy khả năng, điều kiện tham gia vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong và ngoài nước; vận động, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân các nước, bạn bè quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình theo quy định của pháp luật.

Thực hiện công tác cải cách hành chính, quản lý cư trú, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Ứng dụng công nghệ thông tin, tiện ích mạng xã hội trong thực hiện công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân.

Nắm tình hình Nhân dân và thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

Tổ chức lấy ý kiến giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong xây dựng lực lượng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân.

Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện công tác dân vận, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Vận động Nhân dân tham gia, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tai nạn và tệ nạn xã hội phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực, đối tượng.

Thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo của lực lượng Công an nhân dân. Rà soát, đánh giá chất lượng mô hình và xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo của lực lượng Công an nhân dân và các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tham gia xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Thực hiện công tác an sinh xã hội, từ thiện, giúp đỡ Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; củng cố, tăng cường tình đoàn kết, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng Công an nhân dân với Nhân dân.

Tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách dân tộc, tôn giáo và chính sách xã hội gắn với giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.

Giáo dục cán bộ, chiến sĩ về chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, phục vụ Nhân dân. Kiện toàn, xây dựng lực lượng làm công tác dân vận; tăng cường cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác dân vận, bảo đảm an ninh, trật tự hướng về cơ sở.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân.

Kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng về công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân.

Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận về công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân.

Hình thức thực hiện công tác dân vận

(1) Căn cứ tính chất công khai, bí mật:

- Vận động công khai là tuyên truyền, giải thích, động viên Nhân dân thông qua sử dụng các lực lượng, phương tiện, biện pháp công khai;

- Vận động bí mật là tuyên truyền, giải thích, động viên Nhân dân thông qua sử dụng các lực lượng, phương tiện, biện pháp bí mật.

(2) Căn cứ diện đối tượng chịu tác động:

- Vận động rộng rãi là tuyên truyền, giải thích, động viên toàn dân trong xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống giáo dục;

- Vận động tập trung là tuyên truyền, giải thích, động viên đông đảo Nhân dân trong một không gian, thời gian, địa điểm nhất định, tập trung vào một hoặc một số chủ đề, nhiệm vụ nhất định;

- Vận động cá biệt là tuyên truyền, giải thích, động viên một người hoặc nhóm người cụ thể có những đặc điểm riêng biệt.

(3) Căn cứ sự tiếp xúc với đối tượng chịu tác động:

- Vận động gián tiếp là tuyên truyền, giải thích, động viên Nhân dân thông qua khâu trung gian, môi trường trung gian, không trực tiếp tiếp xúc với đối tượng vận động;

- Vận động trực tiếp là tuyên truyền, giải thích, động viên Nhân dân thông qua tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân.

(4) Căn cứ thời gian tác động lên đối tượng:

- Vận động thường xuyên là tuyên truyền, giải thích, động viên Nhân dân được tiến hành thường xuyên, liên tục;

- Vận động theo đợt là hình thức tuyên truyền, giải thích, động viên Nhân dân được tiến hành trong những thời điểm, khoảng thời gian nhất định.

Phương pháp thực hiện công tác dân vận

- Phương pháp tuyên truyền là việc dùng các lý lẽ, luận cứ, luận chứng để thúc đẩy thái độ, tư tưởng, tâm lý và hành động của Nhân dân.

- Phương pháp nêu gương là việc sử dụng những tấm gương mẫu mực, điển hình người tốt, việc tốt để kích thích tính tích cực, tự giác của Nhân dân.

- Phương pháp thuyết phục là việc sử dụng tổng hợp lời nói, chữ viết, dẫn chứng, thái độ, hành động để làm cho Nhân dân tin tưởng, đồng thuận.

- Phương pháp kết hợp, sử dụng linh hoạt các hình thức thực hiện công tác dân vận là việc căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, để lựa chọn, sử dụng kết hợp nhiều hình thức thực hiện công tác dân vận cụ thể.

(Căn cứ Điều 4, 5, 6 Thông tư 09/2024/TT-BCA)

Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị

Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị được ban hành kèm theo Quyết định 23-QĐ/TW năm 2021.

Theo đó, dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Đảng lãnh đạo trực tiếp công tác dân vận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thực hiện hiệu quả công tác dân vận; nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu đối với công tác dân vận; thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và thực hiện phong cách dân vận trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị quy định trách nhiệm, cơ chế, phương thức thực hiện công tác dân vận trong hệ thống chính trị. (Căn cứ Điều 1, 2 Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị kèm theo Quyết định 23-QĐ/TW năm 2021)

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 415

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079