Pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về thuế đối ứng. Thuế đối ứng là một thuật ngữ sử dụng trong các giao dịch thương mại quốc tế, đặc biệt trong các hoạt động xuất nhập khẩu hoặc trong bối cảnh các hiệp định thương mại giữa các quốc gia.
Đây là một loại thuế được áp dụng trong thương mại quốc tế nhằm phản ứng lại mức thuế hoặc trợ cấp mà quốc gia khác áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của mình. Như một biện pháp bảo hộ thương mại phổ biến nhằm đảm bảo sự công bằng và bảo vệ ngành công nghiệp nội địa.
Đặc điểm của thuế đối ứng là được sử dụng khi một quốc gia muốn bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu. Nếu một quốc gia áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ nước khác, nước bị ảnh hưởng có thể áp thuế đối ứng để giảm tác động tiêu cực. Mục đích chính của thuế đối ứng là cân bằng lại sự bất bình đẳng trong thương mại, giảm tác động từ các biện pháp bảo hộ của đối tác thương mại.
Như đã đề cập ở trên, vì là một loại thuế được áp dụng trong thương mại quốc tế, đặc biệt là xuất nhập khẩu. Thuế đối ứng có thể trở thành "cơn ác mộng" đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Các sản phẩm xuất khẩu từ quốc gia bị áp dụng thuế đối ứng sẽ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này có thể khiến các công ty mất thị phần hoặc giảm lợi nhuận, từ đó giảm sản lượng xuất khẩu.
Ngoài ra, để tránh việc bị đánh thuế cao thì các doanh nghiệp có thể phải thay đổi chiến lược xuất khẩu, ví dụ như chuyển hướng sang thị trường khác hoặc thay đổi mô hình sản xuất. Việc này cũng sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thuế đối ứng còn có thể làm ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, một doanh nghiệp muốn đầu tư vào quốc gia A để sản xuất hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang quốc gia B. Nhưng nếu thuế đối ứng đối với nhập khẩu tại quốc gia B áp cho quốc gia A khá cao, sẽ khiến doanh nghiệp đầu tư đó phải cân nhắc đến việc có nên đầu tư vào quốc gia A hay không.
Tóm lại, thuế đối ứng là một công cụ các quốc gia bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, thuế đối ứng có thể dẫn đến các cuộc chiến thương mại và gây ra tác động tiêu cực đến cả hai bên.
Thuế đối ứng và tác động của thuế đối ứng đến doanh nghiệp tại Việt Nam (Hình từ internet)
Hiện hành, tại Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu tại Việt Nam như sau:
(1) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
(2) Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
(3) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
(4) Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
- Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
- Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
- Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.
(5) Chính phủ quy định chi tiết Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.