Cán bộ không chuyên trách cấp xã gồm những chức danh nào?(Hình từ Internet)
Căn cứ theo Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố như sau:
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau: Loại I là 14 người; loại II là 12 người; loại III là 10 người.
Theo đó, căn cứ theo khoản 3 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố như sau:...
Căn cứ vào quỹ phụ cấp được ngân sách Trung ương khoán cho mỗi cấp xã, mỗi thôn, tổ dân phố quy định tại các khoản 1, 2 Điều này; nguồn kinh phí ngân sách chi cho cải cách chính sách tiền lương của địa phương; các quy định của pháp luật có liên quan và đặc thù của từng cấp xã, từng thôn, tổ dân phố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể những nội dung sau:
Chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;...
Theo các quy định trên, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã và chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ do HĐND cấp tỉnh quyết định, tùy theo từng tỉnh mà Hội đồng nhân dân quy định cụ thể các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Như vậy, 14 chức danh không chuyên trách cấp xã sẽ do HĐND cấp tỉnh quyết định, tùy theo từng tỉnh mà Hội đồng nhân dân quy định cụ thể các chức danh.
Đơn cử có thể tham khảo 14 chức danh không chuyên trách cấp xã tại Đồng Tháp tại Điều 2 Nghị quyết 49/2023/NQ-HĐND quy định về chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các chức danh khác ở xã, phường, thị trấn và ở ấp, khóm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp như sau:
1. Văn phòng Đảng ủy;
2. Tuyên giáo Đảng ủy;
3. Tổ chức Đảng ủy;
4. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy (hoặc Kiểm tra Đảng ủy);
5. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
6. Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
7. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
8. Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam;
9. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
10. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự;
11. Văn thư, lưu trữ;
12. Nội vụ;
13. Truyền thanh;
14. Nhân viên thú y.
Theo Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố như sau:
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp. Ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:
- Đơn vị hành chính cấp xã loại I được khoán quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở;
- Đơn vị hành chính cấp xã loại II được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở;
- Đơn vị hành chính cấp xã loại III được khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở.
Đối với đơn vị hành chính cấp xã có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì tổng mức khoán quỹ phụ cấp được tính tăng thêm tương ứng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/01 người hoạt động không chuyên trách tăng thêm.
Phạm Việt Trinh