Mức xử phạt người nổi tiếng có hành vi không thông báo trước về việc được tài trợ để quảng cáo sản phẩm (Hình từ Internet)
Theo khoản 3 Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua người có ảnh hưởng thì người có ảnh hưởng có trách nhiệm sau đây:
- Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp và chương trình đánh giá, xếp hạng liên quan (nếu có);
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện để chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
- Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
- Thực hiện quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì người có ảnh hưởng hay người nổi tiếng phải có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Theo khoản 3 Điều 47 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 24/2025/NĐ-CP) quy định xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp và chương trình đánh giá, xếp hạng liên quan (nếu có) theo quy định;
- Không thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp bên thứ ba là người có ảnh hưởng.
Theo điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 24/2025/NĐ-CP) quy định mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm, trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Như vậy, người nổi tiếng có hành vi không thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp bên thứ ba là người có ảnh hưởng có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 như sau:
- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được chủ động thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.
- Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác.
- Bảo đảm công bằng, bình đẳng, không phân biệt về giới, tự nguyện, không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.