Đổi CCCD sau sáp nhập: Ai cần, ai không? (Hình từ internet)
Theo quy định hiện hành, người dân không bắt buộc phải đổi, cấp lại thẻ Căn cước khi sáp nhập tỉnh. Việc đổi thẻ Căn cước mới do sáp nhập tỉnh được thực hiện theo nhu cầu, người dân hoàn toàn có thể chủ động đi đổi thẻ nếu thấy cần thiết.
Cụ thể, khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2023 quy định các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau:
Điều 24. Các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước
1. Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;
b) Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;
c) Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;
d) Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;
đ) Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;
e) Xác lập lại số định danh cá nhân;
g) Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
Như vậy, không bắt buộc người dân phải làm lại thẻ Căn cước khi thực hiện sáp nhập tỉnh thành.
Như đã nêu tại, mục 1, khi sáp nhập tỉnh thành, công dân không bắt buộc phải đổi thẻ CCCD. Tuy nhiên, nếu công dân thuộc 1 trong các trường hợp sau đây phải thực hiện cấp đổi theo quy định:
(1) Những người sinh năm năm 2011, 2000, 1985, 1965
Theo Điều 21 Luật Căn cước 2023, công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
Trường hợp thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước theo quy định nêu trên có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.
Theo đó, trong năm 2025, những người sinh năm 2011, 2000, 1985, 1965 lần lượt sẽ bước sang tuổi 14, 25, 40, 60.
Như vậy, những người sinh năm 2011, 2000, 1985, 1965 cần đi làm thẻ Căn cước mới trước khi thẻ cũ hết thời hạn sử dụng, trừ các trường hợp:
- Người sinh năm 2011 đã làm thẻ căn cước trong khoảng thời gian đủ 12 - 14 tuổi thì thẻ căn cước sẽ có thời hạn đến ngày sinh nhật năm 2036.
Lưu ý: Nếu người sinh năm 2011 chưa có thẻ Căn cước thì phải làm thẻ Căn cước ngay khi đủ 14 tuổi.
- Người sinh năm 2000 đã làm Căn cước công dân hoặc thẻ căn cước trong khoảng thời gian đủ 23 - 25 tuổi thì thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ căn cước sẽ có thời hạn đến ngày sinh nhật năm 2040.
- Nếu người sinh năm 1985 đã làm thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ căn cước trong khoảng thời gian đủ 38 - 40 tuổi thì thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ căn cước sẽ có thời hạn đến ngày sinh nhật năm 2045.
- Người sinh năm 1965 đã làm Căn cước công dân hoặc thẻ căn cước lúc mình đủ 58 tuổi đến lúc đủ 60 tuổi thì Căn cước công dân đó sẽ được sử dụng đến cuối đời.
(2) Những người thay đổi thông tin, bị mất, hỏng thẻ Căn cước
Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:
- Đến tuổi đổi thẻ căn cước
- Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;
- Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;
- Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;
- Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;
- Xác lập lại số định danh cá nhân;
- Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
Ngoài ra, công dân được cấp lại thẻ căn cước trong trường hợp
- Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 Luật Căn cước 2023;
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.
(Điều 24 Luật Căn cước 2023)