Nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa

10/01/2024 18:43 PM

Chính phủ có chỉ đạo gì về việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa theo Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024?

Nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa

Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ giải pháp được đặt ra là nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.

(1) Các bộ gồm: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Đối với các sản phẩm, hàng hóa được cắt giảm, quản lý theo nguyên tắc cơ quan có thẩm quyền quy định tiêu chuẩn an toàn, người sản xuất, kinh doanh tự tuân thủ. Việc rà soát, sửa đổi danh mục mặt hàng thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng: (i) Cắt giảm các mặt hàng có mức độ rủi ro rất thấp hoặc gần như không có rủi ro; (ii) Bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành.

- Nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng: (i) Áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa; phân biệt những vi phạm nhỏ mang tính hành chính, không ảnh hưởng đến giá trị và chất lượng của hàng hóa; và (ii) Đơn giản hóa hồ sơ, quy trình, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

- Nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt đã được chứng minh hiệu quả về cách thức quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Trong đó, đặc biệt chú trọng nhân rộng quy định về áp dụng quản lý rủi ro; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng: (i) Miễn kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu số lượng nhỏ để sử dụng nội bộ và các sản phẩm, hàng hóa đã sản xuất theo quy trình, công nghệ tiên tiến; (ii) Thừa nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền của các nước có công nghệ tiên tiến; trao đổi, chia sẻ, chấp nhận chứng từ quản lý, kiểm tra chuyên ngành điện tử với các nước như Giấy chứng nhận kiểm dịch (e-phyto), Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS),...;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành sau khi hàng hóa thông quan, lưu thông trên thị trường. Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan hải quan đối với hàng hóa sau thông quan; giảm thiểu kiểm tra đối với những doanh nghiệp có quá trình chấp hành tốt và không có lịch sử vi phạm các quy định pháp luật.

- Nghiên cứu, kiến nghị xây dựng pháp luật và nâng cao năng lực cho việc áp dụng phương thức kiểm tra tại nguồn và kiểm tra tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa.

- Nâng cấp, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, thực chất thủ tục điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống thông tin dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan.

Nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa

Nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa (Hình từ internet)

(2) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan:

- Khẩn trương hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật theo đúng kế hoạch; trong đó nghiên cứu và đề xuất áp dụng đầy đủ nguyên tắc khoa học về quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế.

- Hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để trình Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025.

(3) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan:

- Nghiên cứu, kiến nghị xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro để thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành thống nhất trên phạm vi cả nước.

- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; và kết nối với dữ liệu về kết quả thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận từ các tổ chức đánh giá sự phù hợp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

- Phối hợp với các bộ, ngành triển khai các nội dung tại điểm a mục 3 Phụ lục II Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05/01/2024.

(4) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan:

- Thực hiện ngay việc cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là các quy định trong lĩnh vực dược, khám bệnh, chữa bệnh, an toàn thực phẩm....

- Đẩy mạnh áp dụng dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, nhất là các thủ tục đăng ký thuốc, kê khai giá thuốc, công bố và tự công bố thực phẩm. Chỉ đạo các cơ quan địa phương nghiêm túc thực hiện quy định “Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 01 lần” tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP và không được yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ ngoài quy định của pháp luật.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 12,242

TIN TỨC LIÊN QUAN

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079