Căn cứ Điều 3 Nghị định 157/2025/NĐ-CP, quy định bảo hiểm xã hội Quân đội, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân có các chức năng sau:
- Tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và bảo hiểm y tế đối với thân nhân người lao động thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quy định của pháp luật;
- Quản lý phần quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Bảo hiểm xã hội Quân đội, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định.
Căn cứ Điều 8 Nghị định 157/2025/NĐ-CP, mức đóng, phương thức, thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động đối với đối tượng quy định tại điểm d, đ và e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, được quy định chi tiết như sau:
- Trường hợp người lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội được cấp có thẩm quyền cử biệt phái sang làm việc tại các cơ quan, tổ chức ngoài quân đội, công an, cơ yếu hoặc được cử sang làm việc tại các doanh nghiệp của quân đội, công an, cơ yếu mà vẫn do cơ quan, đơn vị cũ quản lý thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội.
- Trường hợp người lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội đang giữ chức vụ lãnh đạo ở một cơ quan, đơn vị trong quân đội, công an, cơ yếu; đồng thời, được bầu cử, bổ nhiệm, kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo ở cơ quan, đơn vị khác (cả trong và ngoài quân đội, công an, cơ yếu) thì được hưởng chế độ phụ cấp kiêm nhiệm theo quy định của pháp luật về tiền lương; phụ cấp kiêm nhiệm này không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội.
- Trường hợp người lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội do thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, tham gia phòng chống thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn bị ốm đau phải nghỉ việc mà không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 33; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương của tháng liền kề trước khi bị ốm đau. Trường hợp bị ốm ngay tháng đầu làm việc thì mức đóng bảo hiểm xã hội được xác định bằng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó.
- Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội mà không làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian người lao động không làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội.
- Đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội không làm việc từ 14 ngày trở lên trong tháng thì ngân sách địa phương đóng bảo hiểm xã hội như đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội.
Nghị định 157/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2025.
Phạm Thùy Dương